Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức – Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh – Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Để tiên lượng và điều trị dịch khoang màng phổi thì việc đánh giá dịch rất quan trọng. Chúng ta phải đánh giá dịch tự do hay khu trú, dịch tiết hay dịch thấm, dịch mủ hay máu, dịch ở bệnh nhân có nằm liệt giường hay không, dịch ở người bị ung thư phổi – màng phổi hay không,…Từ đó đánh giá mức độ ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Trong bài viết sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một vài cách đo tính lượng dịch khoang màng phổi thể tự do trên siêu âm.
1. Các công thức đo ở tư thế người bệnh nằm ngửa: Công thức của Balik và Eisenberger
Cách đo như sau:
Người bệnh nằm ngửa, đầu dò siêu âm vuông góc với thành ngực bên (thường đặt ở đường nách giữa hoặc sau). Ở vị trí khoang liên sườn thấy được dịch nhiều nhất (có thể đặt đầu dò ở tư thế mặt phẳng trán, quét từ trên xuống dưới, đến vị trí nào có dịch nhiều nhất thì xoay đầu dò vuông góc với thành ngực rồi tiến hành đo), đo ở thì hít vào tối đa.
Đo bề dày dịch khoang màng phổi từ lá thành (thành ngực) đến lá tạng (bề mặt phổi) ở chỗ lớn nhất, đơn vị tính là mm.

- Công thức tính của Balik: V (ml)= bề dày dịch (mm) x 20
- Công thức tính của Eibenberger: V (ml) = 47,6 x bề dày dịch (mm) – 837
Công thức của Eibenberger thường áp dụng khi bề dày dịch đo được từ 20mm trở lên.
2. Các công thức đo ở tư thế người bệnh ngồi hoặc đứng: công thức Goecke 1 và Goecke 2
Cách đo: Người bệnh ở tư thế ngồi hoặc đứng, đặt đầu dò dọc theo cơ thể ở đường nách sau theo mặt phẳng trán (coronal) như hình minh họa. Tiếp đến, đo ở cuối thì thở ra.
- H: độ cao của dịch khoang màng phổi từ điểm thấp nhất của góc sườn hoành đến điểm cao nhất của dịch (cm).
- D: bề dày dịch từ vòm hoành đến nền phổi (cm).
- Công thức Goecke 1: V (ml) = H x 90
- Công thức Goecke 2: V (ml) = (H + D) x 70

Những điểm chú ý là ước lượng thể tích không chính xác khi lượng dịch ít. Khi đặt đầu dò chéo sẽ dẫn đến ước lượng quá mức thể tích dịch. Bệnh nhân cao to có khoang lồng ngực lớn, dịch lan ra trên diện tích lớn hơn, dẫn tới ước lượng thể tích dịch bằng đánh giá bề dày dịch đo được thấp hơn so với thực tế. Trong trường hợp vùng nền phổi xẹp tạo thành một dải di động khi thở, khi đó có thể đo nhầm bề dày dịch, cần phải dịch chuyển vị trí đo ra chỗ có nhu mô phổi (như hình dưới).
Theo Roch [1] thì bề dày dịch đo ở khoang liên sườn 5 > 5cm, thì lượng dịch chắc chắn lớn hơn 500ml với độ nhạy 90%, giá trị dự đoán dương tính 91%, giá trị dự đoán âm tính 82%. Một số tác giả cũng cho thấy ước tính lượng dịch ở khoang màng phổi bên phải và trái có thể khác nhau đôi chút.

Hiện tại, các bệnh viện trong Hệ thống Y tế Vinmec có hệ thống máy siêu âm tiên tiến nhất, với các dòng máy siêu âm mới nhất như của GE dùng cho siêu âm đa khoa, máy có các đầu dò độ phân giải cao, các đầu dò rẻ quạt hay đầu dò nhỏ, có thể lách giữa các khoang liên sườn để siêu âm màng phổi, đánh giá chi tiết các cấu trúc cũng như các bất thường của màng phổi, dịch khoang màng phổi, đưa ra chẩn đoán nhanh và chính xác.
Tài liệu tham khảo:
- Roch A., Bojan M., Michelet P., et al. (2005). Usefulness of ultrasonography in predicting pleural effusions > 500 mL in patients receiving mechanical ventilation. Chest, 127(1), 224–232.
- Eibenberger K.L., Dock W.I., Ammann M.E., et al. (1994). Quantification of pleural effusions: sonography versus radiography. Radiology, 191(3), 681–684.
- Hassan M., Rizk R., Essam H., et al. (2017). Validation of equations for pleural effusion volume estimation by ultrasonography. J Ultrasound, 20(4), 267–271.
- Ibitoye B.O., Idowu B.M., Ogunrombi A.B., et al. (2018). Ultrasonographic quantification of pleural effusion: comparison of four formulae. Ultrason Seoul Korea, 37(3), 254–260.
Bài viết gốc: https://vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cach-do-dich-khoang-mang-phoi-tren-sieu-am/