Phẫu thuật cắt dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến được thực hiện đối với các bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, dinh dưỡng cho người cắt dạ dày cần phù hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe, giúp mau chóng phục hồi và hạn chế các biến chứng xảy ra.

1. Tại sao phải chú ý đến dinh dưỡng cho người cắt dạ dày?

Phẫu thuật cắt dạ dày một phần hay toàn bộ là cuộc phẫu thuật lớn, có thể để lại những tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chuột rút và chóng mặt sau khi ăn. Các triệu chứng có thể giảm bớt hoặc biến mất trong vài tháng nhưng có thể là xuất hiện vĩnh viễn đối với một số người.

Sau khi phẫu thuật, dạ dày có thể bị thu nhỏ hoặc cắt bỏ hoàn toàn nên bệnh nhân sẽ cảm thấy no nhanh hơn. Người bệnh đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày phải có một chế độ ăn uống phù hợp để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, duy trì thể trạng.

2. Nguyên tắc chung về chế độ ăn uống

Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị ung thư, dạ dày không chứa được nhiều thức ăn như trước khi phẫu thuật. Vậy nên, cần tuân thủ một số nguyên tắc dinh dưỡng cho người cắt dạ dày như sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn, có thể 6-8 bữa/ngày thay vì ăn 3 bữa chính như bình thường.
  • Hãy ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được nghiền nhuyễn, quá trình tiêu hóa diễn ra được dễ dàng hơn.
  • Thức ăn phải được nấu chín, nấu nhừ, không ăn thức ăn sống.
  • Chọn thực phẩm dễ hấp thu như chất bột; không nên dùng đường đơn glucose.
  • Ăn xong phải nghỉ ngơi thoải mái.
dinh dưỡng cho người cắt dạ dày giai đoạn đầu chủ yếu là đường truyền tĩnh mạch
Dinh dưỡng cho người cắt dạ dày giai đoạn đầu chủ yếu là đường truyền tĩnh mạch

3. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày

  • Giai đoạn đầu (1-2 ngày sau mổ): Sau khi phẫu thuật, vết mổ của bệnh nhân còn chưa lành. Có thể cung cấp đường và điện giải cho bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch. Có thể cho bệnh nhân uống rất ít để nuôi dưỡng tiêu hóa, nếu thấy người bệnh bị trướng bụng nặng thì không nên cho uống.
  • Giai đoạn tiếp theo: Sau khi cắt dạ dày, giai đoạn tiêu hóa bị giảm, thức ăn sẽ tiếp xúc với ruột non nhanh hơn hoặc có thể trực tiếp đến phần đầu tiên của ruột non nếu cắt toàn bộ dạ dày. Do đó, bệnh nhân nên ăn chậm nhai thật kỹ để hạn chế xuất hiện các triệu chứng và rối loạn sau phẫu thuật. Nên chia nhỏ bữa ăn tối thiểu 6 lần/ngày thay vì 3 bữa chính như bình thường, ưu tiên thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
  • Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này, người bệnh đã dần hồi phục, vì thế dinh dưỡng cho người cắt dạ dày cần phải cung cấp đầy đủ để tăng nhanh thể trọng và giúp vết thương mau lành. Đây là chế độ ăn được cung cấp nhiều protein và calo. Khẩu phần cần được chia thành nhiều nhiều bữa nhỏ trong ngày. Trứng sữa và đậu đỗ là những thực phẩm cung cấp nhiều protein. Tăng cường vitamin B và C bằng cách ăn nhiều hoa quả.

4. Một số loại thực phẩm nên ăn

Các bệnh nhân sau điều trị ung thư dạ dày nên ăn một số loại thực phẩm sau:

  • Các loại thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, cá, gia cầm, phô mai, bơ…
  • Các loại ngũ cốc do chứa nhiều chất xơ rất tốt cho tiêu hóa.
  • Trái cây và rau quả: Lưu ý nên nấu chín các loại rau xanh, với trái cây thì nên gọt vỏ trước khi ăn và bỏ hạt.
  • Sữa.
  • Vitamin: nên bổ sung một số vitamin như vitamin B1, B12 và viên sắt để bồi bổ sức khỏe, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu sau phẫu thuật.

Bên cạnh đó, cần hạn chế ăn các loại thực phẩm lên men như dưa chua, hành muối, măng ngâm hay các loại gia vị cay nóng, chất kích thích và các loại đồ ăn cứng vì không tốt cho đường tiêu hóa, làm quá trình phục hồi của bệnh nhân lâu hơn.

Trên đây là những thông tin dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày để điều trị ung thư. Tuân thủ đầy đủ chế độ ăn uống này sẽ giúp bạn nhanh hồi phục. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.

Bài viết gốc: https://vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/dinh-duong-cho-benh-nhan-sau-cat-da-day-dieu-tri-ung-thu/