Dị ứng đạm sữa bò là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến một số biến chứng như suy dinh dưỡng cùng với những rối loạn bất thường khác. Trẻ dị ứng đạm sữa bò cần được phát hiện kịp thời, xử lý sớm và điều chỉnh thực đơn phù hợp.

1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là bệnh lý phổ biến nhất đối với trẻ dưới 1 tuổi. Tình trạng này diễn ra ở những trẻ không bú sữa mẹ mà bú sữa công thức. Đối với sữa công thức, trẻ em phải hấp thu rất nhiều protein từ sữa bò nên cơ thể của một số trẻ sẽ xảy ra tình trạng dị ứng đối với loại protein này, hay còn gọi là dị ứng đạm sữa bò.

Trẻ dị ứng đạm sữa bò còn dễ gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng bởi vì khi dị ứng với protein có trong sữa bò thì trẻ sẽ kém hấp thu dinh dưỡng hơn, vì vậy không đủ năng lượng để hoạt động cũng như phục vụ cho quá trình tăng trưởng và phát triển. Hơn nữa, trẻ cũng sẽ phải đối mặt với hiện tượng trào ngược dạ dày – thực quản cũng như những rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài và táo bón. Những nguyên nhân này đều góp phần gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Trên lâm sàng, khi trẻ dị ứng đạm sữa bò thì sẽ biểu hiện ở rất nhiều cơ quan như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn và một số triệu chứng toàn thân. Đối với da, trẻ có thể sẽ bị viêm da cơ địa; sưng và phù môi, mí mắt; nổi mề đay… Khi ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, tình trạng dị ứng đạm sữa bò có thể gây nên trào ngược, nôn trớ, tiêu chảy, táo bón, phân lẫn máu, thiếu máu thiếu sắt… Đối với hệ hô hấp thì trẻ sẽ bị sổ mũi, khò khè, ho… Một số biểu hiện dễ nhận biết khác như bú kém, chậm tăng trưởng, khó ngủ… Một số tình trạng khẩn cấp hơn có thể là shock phản vệ.

Để chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò thì có thể dùng sữa thay thế, ngưng cho trẻ uống loại sữa bò nghi ngờ gây dị ứng, test lẩy da, thực hiện xét nghiệm IgE đặc hiệu, test sữa…

Trẻ dị ứng đạm sữa bò
Trẻ dị ứng đạm sữa bò nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất là đến 6 tháng đầu sau sinh

2. Thực đơn cho trẻ dị ứng đạm sữa bò

Trong quá trình điều trị cho trẻ dị ứng đạm sữa bò thì dinh dưỡng đóng một phần rất quan trọng, cần được lưu ý và thực hiện đúng với những gì bác sĩ chỉ định:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Trẻ nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất là đến 6 tháng đầu sau sinh. Với những trẻ mặc dù đã được bú sữa mẹ nhưng vẫn có những triệu chứng nghi ngờ dị ứng thì lúc này người mẹ sẽ được tư vấn một thực đơn ăn uống sao cho loại bỏ được những nguồn thức ăn gây dị ứng như sữa đặc, phô mai… và những loại thực phẩm khác có nguồn gốc từ sữa bò. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung thêm một số loại vitamin như vitamin D và calci. Đối với trẻ không có sữa mẹ để bú thì nên chọn những sữa công thức thủy phân hay có nguồn gốc amino acid. Đây là những loại sữa mà đạm trong sữa đã được bỏ đi, giúp trẻ giảm được nguy cơ dị ứng. Vì trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể xảy ra dị ứng chéo với những protein đến từ những loại động vật có sữa khác như dê, cừu hoặc đạm từ một số loại hạt như đậu nành. Vì vậy cha mẹ không nên tự ý cho trẻ đổi sang dùng sữa dê, sữa cừu mà cần đưa trẻ đến khám để được các bác sĩ tư vấn.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi: Lúc này trẻ có thể được cho ăn dặm nên cần chú ý đến thành phần trong bữa ăn để tránh tình trạng dị ứng. Một số thức ăn cần được lưu ý đó là bánh ăn dặm, bột ăn dặm, váng sữa, sữa chua, bơ, phô mai… vì trong những loại thức ăn này có chứa đạm sữa bò. Hay một số loại bánh ngọt, súp, đồ ăn vặt cũng có thể chứa đạm sữa bò mà cha mẹ cần quan tâm.

Dị ứng đạm sữa bò tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng cần được chú ý và phát hiện sớm để tránh tình trạng dị ứng ở trẻ. Bên cạnh đó, thiết lập một chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và không chứa đạm sữa bò cho cả mẹ và trẻ là một trong những phương pháp cần thiết để giúp trẻ hạn chế được tình trạng dị ứng này.



1900 232 389 (phím 0 để gọi Vinmec) hoặc đăng ký lịch khám tại viện Nếu có nhu cầu tư vấn sức khỏe từ xa cùng bác sĩ Vinmec, quý khách đặt lịch tư vấn để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn

Bài viết gốc: https://vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/dinh-duong-doi-voi-tre-di-ung-dam-sua-bo/