Việc biết cách chăm sóc người say rượu sao cho đúng đôi khi có thể giúp bạn cứu sống họ. Khi một người uống quá nhiều rượu, họ có thể làm tổn thương chính mình hoặc người khác, có nguy cơ tử vong do ngộ độc rượu hoặc sặc bã nôn khi ngủ. Để chăm sóc người say rượu, bạn cần nhận biết các dấu hiệu ngộ độc rượu, đảm bảo an toàn cho người say và thực hiện các bước đúng đắn để giúp họ tỉnh rượu.

Phương pháp 1 của 3:

Kiểm tra xem người đó có ổn không

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 1


Hỏi xem người đó đã uống bao nhiêu rượu rồi. Bạn sẽ biết cách xử trí tốt nhất nếu biết được người đó đã uống bao nhiêu rượu. Lượng rượu uống vào nhiều hay ít, tốc độ uống nhanh hay chậm, cơ thể to lớn hay không, ngưỡng dung nạp rượu cao hay thấp và ăn hay chưa ăn trước khi uống rượu đều là các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ say của một người. Có thể họ chỉ cần nằm ngủ để giã rượu, nhưng bạn không thể quyết định được nếu không biết họ đã uống bao nhiêu rượu.

    Bạn có thể hỏi họ “Anh thấy trong người thế nào? Anh có nhớ được mình uống bao nhiêu rồi không? Anh đã ăn gì chưa?” Như vậy bạn sẽ đoán được họ đã uống nhiều đến mức nào. Nếu đã uống hơn 5 cốc khi bụng đói, họ có thể đang say đến mức nguy hiểm và có thể phải được chăm sóc y tế.

    Nếu người đó nói năng không mạch lạc và không hiểu bạn đang nói gì, có thể đó là dấu hiệu ngộ độc rượu. Bạn hãy đưa họ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bạn cũng đã uống rượu thì đừng lái xe. Hãy gọi xe cứu thương hoặc nhờ ai đó tỉnh táo đáng tin cậy chở bạn và người say đến bệnh viện.

Cảnh báo: Có khả năng họ đã bị ai đó bỏ thuốc vào rượu nên có biểu hiện như ngộ độc rượu nặng. Nếu biết họ đã uống bao nhiêu rượu, bạn sẽ đoán được liệu họ có bị đánh thuốc mê không. Ví dụ, nếu một người chỉ uống 1 hoặc 2 ly rượu vang mà có triệu chứng như ngộ độc rượu nặng thì có thể họ đã uống phải thứ gì đó trong rượu. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị đánh thuốc mê, hãy đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 2

Giải thích những việc bạn định làm trước khi tiếp cận hoặc chạm vào người say rượu. Tùy vào mức độ say, người đó có thể bối rối, mất phương hướng và không hiểu rõ việc bạn đang làm. Người say có thể mất khả năng suy xét, và nếu bạn buộc họ làm gì đó, họ có thể nổi khùng và làm hại bản thân họ hoặc những người khác. Bạn luôn phải giải thích với họ những gì bạn định làm.

    Nếu người đó ôm toa lét và có vẻ như không ổn, bạn có thể nói: “Này cậu, tớ ở đây để cậu có cần gì thì gọi. Để tớ giúp cậu giữ tóc cho khỏi vướng nhé.”

    Đừng chạm vào hoặc di chuyển ai đó mà không hỏi trước xem bạn làm vậy có được không.

    Nếu người đó ngất xỉu, bạn hãy cố gắng đánh thức họ bằng cách gọi to để xem họ có tỉnh không. Thử hỏi “Này anh! Anh có sao không?”

    Nếu họ không phản ứng gì và có vẻ như bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 3

Kiểm tra các dấu hiệu ngộ độc rượu. Tình trạng ngộ độc rượu có thể gây chết người nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Nếu người đó có các biểu hiện như da xanh nhợt, da lạnh và ướt hoặc thở chậm và không đều, hãy gọi xe cứu thương hoặc đưa họ đến bệnh viện ngay lập tức. Các triệu chứng ngộ độc rượu khác bao gồm nôn, hoảng loạn và mất ý thức.

    Nếu người đó bị co giật thì tính mạng của họ đang bị đe doạ. Đừng bỏ phí thời gian: hãy gọi xe cứu thương hoặc đưa họ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 4

Đưa người say đến nơi an toàn để ngăn ngừa họ làm tổn thương bản thân hoặc những người khác. Nếu đó là người quen biết, bạn nên đưa người đó về nhà để họ tỉnh rượu và không gây hại cho bất cứ ai. Nếu bạn không quen người say và đang ở nơi công cộng, hãy cố gắng tìm người quen của họ để giúp họ không rơi vào nguy hiểm. Nếu người đó say đến mức không thể tự chăm sóc bản thân, bạn cần đưa họ đến một nơi an toàn.

    Đừng lái xe nếu bạn đã uống rượu, và không bao giờ để người say lái xe. Bạn nên cắt cử một người tỉnh táo nhận trách nhiệm lái xe hoặc dùng ứng dụng taxi công nghệ như Uber hoặc Grabtaixi để về nhà an toàn.

    Đưa người say đến nơi thoải mái và an toàn như nhà họ hoặc nhà bạn, hoặc nhà của một người bạn đáng tin cậy.

Phương pháp 2 của 3:

Đảm bảo an toàn cho người say khi ngủ

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 5

Không bao giờ để cho người say ngủ thiếp đi mà không được trông chừng. Cơ thể của người say vẫn tiếp tục hấp thu rượu ngay cả khi họ ngủ hoặc ngất đi và có thể dẫn đến ngộ độc rượu. Họ có thể chết vì sặc bã nôn nếu ngủ ở tư thế sai. Đừng cho rằng một khi đã ngủ thiếp đi thì người say sẽ không sao.

Lời khuyên: Ghi nhớ 4 dấu hiệu để theo dõi tình trạng ngộ độc rượu: Da ướt lạnh hoặc xanh tái, bất tỉnh, nôn không thể kiểm soát và thở chậm hoặc không đều. Nếu người say có bất cứ dấu hiệu nào trên đây, bạn cần lập tức đưa họ đến bệnh viện.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 6

Để người say nằm nghiêng bằng cách chặn gối sau lưng. Nếu không có nguy cơ ngộ độ rượu, có thể người say chỉ cần ngủ để cơ thể có thời gian xử lý lượng cồn và đào thải cồn khỏi máu. Tuy nhiên, họ có thể nôn khi ngủ và có nguy cơ sặc bã nôn. Hãy đảm bảo người say nằm ngủ ở tư thế nghiêng bằng cách chặn một chiếc gối đằng sau để họ khỏi lăn người lại nằm ngửa.

    Người say phải nằm ở tư thế sao cho bã nôn thoát ra khỏi miệng nếu họ nôn trong khi ngủ.

    Tư thế bào thai là tư thế an toàn cho người say nằm ngủ.

    Đặt thêm một chiếc gối đằng trước để họ không lăn tới và nằm sấp gây khó thở.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 7

Đánh thức người say 5-10 phút một lần trong 1 giờ đầu tiên. Cho dù đã ngừng uống rượu, cơ thể họ vẫn tiếp tục xử lý chất cồn đã uống. Điều này có nghĩa là nồng độ cồn trong máu của họ có thể tăng trong khi ngủ. Trong vòng 1 giờ đầu sau khi người say ngủ thiếp đi, bạn hãy đánh thức họ sau mỗi 5-10 phút và kiểm tra các dấu hiệu ngộ độc rượu.

    Sau 1 giờ đầu tiên, bạn có thể kiểm tra người say khoảng mỗi tiếng một lần nếu thấy họ có vẻ ổn.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 8

Đảm bảo có người ở bên cạnh người say suốt đêm. Nếu người đó say bí tỉ, họ cần phải được theo dõi liên tục để đảm bảo không có nguy cơ ngộ độc rượu hoặc bị sặc khi nôn. Phải có ai đó ở cạnh người say suốt đêm để kiểm tra hơi thở của họ.

    Nếu bạn không quen người đó, hãy hỏi xem bạn có thể gọi ai đến đón họ.

    Đừng bao giờ để một người say trông chừng một người say. Nếu bạn cũng đã uống rượu, hãy nhờ ai đó tỉnh táo giúp theo dõi họ.

    Nếu bạn đang ở nhà hàng hoặc quán bar và không quen biết người say rượu, hãy báo với các nhân rằng có một người say cần trợ giúp đang ở đó. Đừng bỏ mặc họ khi bạn chưa biết chắc là đã có người chăm sóc.

Phương pháp 3 của 3:

Giúp người say tỉnh rượu

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 9

Ngăn người đó uống thêm rượu. Một người đã say sẽ có nguy cơ ngộ độc rượu nếu uống thêm. Nếu cứ tiếp tục uống, khả năng nhận thức của họ sẽ càng kém hơn và có thể khiến họ tự làm hại mình hoặc những người khác.

    Cố gắng nói trực tiếp và không cho họ uống thêm. Hãy nói những câu đại loại như “Nghe này, cậu uống nhiều quá rồi. Tớ hơi lo đấy. Tớ không cho cậu uống thêm nữa đâu.”

    Để tránh xung đột với người say đang hung hăng, bạn hãy thử đánh lạc hướng họ bằng một cốc thức uống không cồn hoặc mở bản nhạc hoặc bộ phim mà họ thích.

    Nếu người say không chịu nghe bạn, hãy nhờ ai đó thân thiết với họ khuyên họ đừng uống nữa.

    Nếu bạn không thuyết phục được người đó và lo rằng họ có thể gây hấn hoặc làm tổn thương bản thân họ hay người khác, hãy gọi cảnh sát.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 10

Cho người say uống nước. Nước sẽ làm loãng nồng độ cồn trong máu và giúp họ tỉnh rượu nhanh hơn. Chất cồn cũng khiến cơ thể mất nước, do đó việc cho người say uống nước sẽ giúp họ cũng đỡ mệt hơn vào hôm sau.

    Cho người say uống một cốc nước đầy trước khi nằm ngủ.

    Cho họ uống nước thể thao như Gatorade để bù lại lượng natri và các chất điện giải mà cơ thể bị mất đi khi uống rượu.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 11

Cho người say ăn thứ gì đó. Các thức ăn nhiều chất béo như bánh mì kẹp phô mai và pizza có thể giúp giảm tác động của cồn và làm chậm hấp thu cồn từ dạ dày vào máu. Mặc dù không giảm được lượng cồn trong máu, nhưng thức ăn có thể giúp người say cảm thấy đỡ hơn và giảm mức hấp thu của cồn.

    Nhớ đừng cho ăn quá nhiều kẻo họ bị nôn. Một chiếc bánh kẹp và vài miếng khoai tây chiên thì được, nhưng bạn đừng để họ ngốn hết cả chiếc bánh piizza và 3 cái bánh kẹp một lúc; bằng không họ sẽ nôn ra mất.

    Nếu người say không muốn ăn mấy, bạn có thể thử cho họ một ít đồ ăn vặt mặn như lạc hoặc bánh quy mặn.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 12

Tránh cho người say uống cà phê nếu không cần thiết. Người ta thường uống một tách cà phê khi muốn tỉnh táo. Tuy nhiên, dù có giúp người say tỉnh táo hơn, cà phê cũng không giảm được lượng cồn trong máu. Hơn nữa, chất caffeine trong cà phê có thể gây mất nước, làm chậm tốc độ xử lý cồn của cơ thể và gia tăng tác động tiêu cực của tình trạng khó chịu ngày hôm sau.

    Cà phê đen có thể kich thích dạ dày và gây nôn nếu người đó không quen uống.

Lời khuyên: Cho người say uống một cốc cà phê có thể hữu ích nếu bạn sợ họ ngủ thiếp đi, nhưng hãy nhớ là họ cũng phải uống ít nhất 1 cốc nước để bù lại tác động gây mất nước của cà phê.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 13

Đừng cố làm cho người say nôn. Nôn do kích thích cũng không hạ được lượng cồn trong máu, do đó nó chỉ làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể và càng khiến người say mất nước nhiều hơn. Khi bị mất nước, cơ thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để xử lý và thải cồn ra khỏi cơ thể.

    Nếu họ muốn nôn, bạn nên ở bên cạnh để họ khỏi bị ngã và bị thương. Nôn là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm đào thải lượng cồn có thể còn trong dạ dày.

Tiêu đề ảnh Take Care of a Drunk Person Step 14

Chờ một thời gian cho người say giã rượu. Một khi cồn đã vào cơ thể, cách duy nhất để đào thải cồn là cho cơ thể có đủ thời gian để xử lý. Sẽ mất 1 giờ để cơ thể xử lý 1 cốc rượu. Có nhiều yếu tố quyết định thời gian cần cho một người đào thải hết lượng cồn trong máu, nhưng đó là cách duy nhất để loại bỏ tác động của rượu.

    Ngay cả trọn một đêm ngủ cũng chưa đủ để xử lý hoàn toàn lượng rượu mà họ đã uống. Họ không nên lái xe nếu vẫn còn bị ảnh hưởng của rượu.

    Đừng bao giờ để người say lái xe hoặc vận hành máy móc. Nếu họ khăng khăng đòi lái xe, hãy thử lấy trộm chìa khoá xe của họ hoặc gọi cảnh sát để ngăn ngừa họ gây tổn thương bản thân họ hoặc những người khác.

Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/Ch%C4%83m-s%C3%B3c-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-say-r%C6%B0%E1%BB%A3u