Thỏ là động vật thích gần gũi và chơi đùa với con người. Nếu mới nhận nuôi thỏ, hoặc chỉ đơn giản là không thể khiến thú cưng của mình chơi đùa, thì có nhiều mẹo để bạn giúp thỏ giải trí. Bạn cần chú ý đến tính cách của vật cưng, vì đó là yếu tố giúp bạn lựa chọn hình thức giải trí cũng như phương pháp chơi đùa với chúng.
Phần 1 của 3:
Lựa chọn đồ chơi cho thỏ

Đầu tiên, bạn nên để thỏ tự rời khỏi chuồng để chạy đến bên cạnh bạn. Để thỏ tự khám phá trong một không gian an toàn.
Chú ý hành động tương tác của thỏ. Một số chú thỏ thích xé giấy vở và khăn giấy trong khi đùa nghịch. Một số khác lại thích dùng răng ném đồ chơi và đuổi theo chúng. Một số thích lại thích làm đổ đồ vật. Bạn có thể chú ý đến hành vi của thỏ và xem chúng thích trò chơi tiêu khiển nào.
Thỏ rất dễ sợ hãi, vì vậy bạn không nên làm động tác đột ngột. Không nên la mắng thỏ, nếu không chúng sẽ tránh xa bạn.

Đối với chú thỏ thích ném đồ vật, bạn có thể mua đồ chơi an toàn tại cửa hàng vật nuôi hoặc cửa hàng bách hóa tại địa phương. Đồ chơi cho chim cảnh cũng là sự lựa chọn tốt, vì chúng được thiết kế để cầm nắm dễ dàng. Nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể sử dụng ống bìa các-tông như lõi khăn giấy hoặc cuộn giấy vệ sinh.
Thỏ có thói quen nhai và đào bới nên có thể áp dụng hành vi này vào việc chơi đùa. Chiếu rơm hoặc thùng các-tông đựng đầy giấy xén hoặc giấy vụn có thể giúp thỏ giải trí trong nhiều giờ. Ngoài ra bạn có thể sử dụng đồ chơi trẻ em và bóng bằng nhựa, vì chúng thường cứng cáp và sẽ bền lâu trước khi bạn phải thay mới.
Đồ chơi logic là sự lựa chọn hoàn hảo cho những chú thỏ hay tò mò, và bạn có thể mua tại cửa hàng thú cưng. Loại đồ chơi này thường bao gồm hộp nhựa hoặc bìa cứng có chứa đồ vật hấp dẫn, như quả bóng cao su hoặc đồ ăn. Thỏ phải tìm cách mở hộp để lấy phần thưởng của mình.
Nếu thỏ thích húc đổ đồ vật, bạn có thể mua cho chúng vài chai ky bowling dành cho trẻ em. Thỏ sẽ thích được làm đổ và sau đó sẽ cần bạn sắp xếp lại để tiếp tục chơi đùa.

Nhiều người nuôi thỏ khuyến cáo nên xây lâu đài bằng bìa các-tông cho thỏ. Bạn có thể thực hiện bằng cách lấy nhiều hộp các-tông cũ và xếp chúng lại với nhau và sau đó đục lỗ để làm lối đi và cửa ra vào. Những chú thỏ thích nhai nghiến hay tò mò đặc biệt bị thu hút bởi lâu đài này. Nếu bạn giữ thỏ trong phòng hay trong rà chắn thay vì lồng kín khi bạn đi vắng, thì đồ chơi này sẽ rất hợp lý. Nếu thỏ bị nhốt trong lồng suốt cả ngày, điều này có thể gây trở ngại cho chúng.
Nếu thỏ có thói quen đào bới, bạn nên rải mùn cưa hoặc rơm vào trong lồng khi vắng nhà. Nếu thỏ thấy chán thì chúng có thể tự đào bới.
Phần 2 của 3:
Chơi đùa với thỏ

Thỏ thường năng động nhất vào buổi sáng sớm, vì vậy đây có thể là thời điểm thích hợp để chơi với chúng nếu bạn có thời gian rảnh. Ngược lại, nhiều chú thỏ cũng sẽ hoạt động thường xuyên vào ban đêm.
Bạn nên thận trọng khi bắt đầu thời gian chơi đùa. Thỏ thích được ở một mình khi ăn, sử dụng khay vệ sinh, vệ sinh lông, và ngủ. Nếu bạn nhận thấy thỏ đang thực hiện những hành vi này thì nên để chúng hoàn thành trước khi bắt đầu giờ giải trí. Tuy nhiên, bạn nên mở lồng hoặc rào khi thỏ đang báo hiệu sắp đến giờ ra chơi và chúng có thể rời lồng khi đã sẵn sàng.

Bạn cần hạ thấp người ngang tầm của thỏ. Bạn có thể ngồi, cúi mình, hoặc nằm trên sàn nhà.
Cho phép thỏ yêu tùy chọn ngồi trên đùi hoặc tương tác với cơ thể của bạn. Một số chú thỏ thích âu yếm và nằm cuộn trong lòng chủ, nhưng đa số đều thích độc lập trong suốt thời gian vui chơi.

Không nên thô bạo với thỏ như khi bạn chơi đùa với mèo hay chó. Thỏ có bản tính rụt rè và điều này có thể làm chúng cảm thấy sợ hãi khi ở gần bạn.
Chào hỏi chú thỏ một cách thân thiện trước khi mở cửa lồng. Bạn có thể gọi tên thỏ và nói những điều thân thiện như, “Chào buổi sáng.” Như vậy thỏ sẽ cảm thấy dễ chịu và muốn tiếp xúc với bạn hơn.
Âu yếm thỏ đồng thời truyền tải những phản hồi tích cực khác, chẳng hạn như tín hiệu bằng lời nói thân thiện hoặc món ăn vặt. Bạn muốn thỏ liên tưởng hành động đụng chạm của bạn với những điều an toàn và vui vẻ.
Phần 3 của 3:
Hình thành thói quen giải trí lành mạnh

Nhiều loại đồ ăn vặt dành cho thỏ ở cửa hàng vật nuôi chứa hàm lượng calo cao và không tốt cho sức khỏe lâu dài của thỏ. Thay vào đó bạn nên chọn món ăn khác, chẳng hạn như nho khô, miếng nhỏ táo, dứa, cần tây, dâu tây, hay ngũ cốc lúa mì không phủ thêm đường.
Dù cho thức ăn là sự khởi đầu tuyệt vời, bạn không nên cho thỏ ăn quá nhiều. Cho thỏ ăn thức ăn nhẹ trước khi chơi đùa, nhưng không nên cho ăn mỗi lần thỏ đòi hỏi.

Đừng nên la mắng thỏ. Thỏ có bản tính rụt rè, cho nên việc mắng nhiếc chỉ gây hại chứ không giúp thỏ ngừng cắn.
Khi thỏ cắn, bạn nên nhẹ nhàng đẩy chúng ra. Sau đó nói dịu dàng và tiếp tục âu yếm thỏ. Việc lặp lại hành vi này là cần thiết cho đến khi thỏ không còn cắn bạn nữa.

Thỏ sẽ báo hiệu khi nào chúng sẵn sàng chơi đùa. Chúng sẽ chạy vòng quanh chân hoặc kéo ống quần của bạn. Bạn nên chờ cho đến khi thỏ ra hiệu rồi bắt đầu lấy đồ chơi ra.
Khi thỏ đã hết hứng thú chơi đùa, và cố trở lại trong chuồng của mình, thì bạn nên chiều theo. Thỏ thường muốn được ở một mình và sẽ không còn muốn chơi nếu việc chơi đùa mang tính chất ép buộc.
Nếu thỏ đang làm việc khác, bạn cần để thỏ hoàn tất chúng trước khi gọi thỏ ra ngoài vui chơi.
Thỏ không phải lúc nào cũng chơi đùa với lượng thời gian cố định. Có những ngày chúng muốn chơi đùa khoảng một giờ nhưng trong những ngày khác thì chỉ có 10 phút. Bạn không nên ép buộc thỏ vui chơi nhiều hoặc ít hơn so với nhu cầu.
Nếu thỏ chạy khỏi những người vừa mới ẵm mình thì bạn nên để thỏ làm vậy.
Cho phép thỏ liếm bạn và không nên xua đuổi vì thỏ chỉ muốn chơi đùa chứ không có ý làm đau bạn.
Để thỏ tự đến với bạn, thay vì bắt thỏ phải chơi đùa cùng bạn. Bạn có thể gắn kết với thỏ theo nhiều cách, ví dụ nằm đọc sách ở trên sàn bên cạnh thỏ và nhiều thứ như vậy nữa.
Không bao giờ đánh hoặc làm đau thỏ.
Cho thỏ ăn rau xanh và hoa quả tươi. Đó là loại đồ ăn vặt tốt nhất.
Không cho thỏ nhiều hơn vài ba miếng quà vặt mỗi ngày, đặc biệt nếu đó là trái cây, vì trái cây chứa nhiều đường.
Khi nói chuyện với thỏ, giọng nói của bạn nên bình tĩnh và dễ chịu.
Trong quá trình chơi, bạn cần để sẵn đồ ăn và nước phòng khi thỏ đói hoặc khát nước.
Để thỏ tự do khám phá, nhưng bạn cần đảm bảo khu vực vui chơi không xuất hiện dây điện hoặc đồ vật có thể làm tổn thương thỏ trong khi di chuyển xung quanh.
Đừng cố bế thỏ lên ngay từ ngày đầu tiên thỏ về nhà bạn, trừ phi chú thỏ đó đã quen được ẵm hằng ngày.
Đảm bảo tất cả đồ chơi đều an toàn dành cho thỏ và chỉ cho phép chúng sử dụng đồ chơi mới dưới sự giám sát chặt chẽ.
Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/Ch%C6%A1i-%C4%91%C3%B9a-v%E1%BB%9Bi-Th%E1%BB%8F