Sự tự tin có thể dẫn người ta đến thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Có nghiên cứu đã cho thấy người có lòng tự trọng cao (lòng tự trọng là những suy nghĩ, cảm giác và niềm tin về bản thân) ít có rủi ro bị trầm cảm. Ngược lại, cảm giác thiếu tự tin có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, mối quan hệ, việc học hành hoặc sự nghiệp của chúng ta. May mắn là có những cách có thể giúp bạn lấy lại lòng tự tin nói chung và trong các tình huống cụ thể như mối quan hệ hoặc trong công việc.
Phương pháp 1 của 3:
Xây dựng Lòng Tự tin

Một việc có thể giúp ích là nghiêm túc ngồi xuống và viết ra mọi ý tưởng nảy ra trong đầu bạn. Lấy một quyển vở hoặc sổ nhật ký và dành ra một khoảng thời gian 20-30 phút. Viết nhật ký là một cách hay để không ngừng nói chuyện với bản thân về việc bạn là ai và bạn muốn trở thành người như thế nào. Đây là một cách để suy xét và khám phá bản thân, đồng thời có thể giúp bạn nhận ra những phẩm chất của chính bạn mà trước đó bạn không thực sự nhận ra.
Suy nghĩ cả về những lĩnh vực mà bạn muốn cải thiện, ví dụ như tính quả quyết hoặc sự tự tin. Không chỉ ngẫm nghĩ về cảm giác của mình, bạn còn cần phải cân nhắc cả về lý do tại sao bạn lại có cảm giác như vậy. Bắt đầu hiểu về cái tôi đích thực của bạn và hãy để nó được biểu hiện. Nếu bạn gặp khó khăn khi xử trí một số việc khi có mặt những người khác – ví dụ như sự tự tin và năng lực của bạn bỗng mất đi khi có người khác xuất hiện, chẳng hạn như trong quan hệ hay ở nơi làm việc – thì việc nhận thức được mọi khía cạnh của bản thân bạn là bước đầu tiên để biến chuyển.

Trong thời gian này, bạn hãy liệt kê ra toàn bộ những thành tích của mình. Nhớ là phải ghi lại tất cả, từ những thành quả lớn lao cho đến những việc nhỏ nhặt thường ngày. Bản liệt kê có thể bao gồm cả những việc như học lái xe, vào đại học, dọn đến ở căn hộ riêng của mình, làm quen với một người bạn tốt, nấu một bữa ăn ngon, nhận được bằng cấp hoặc khen thưởng, tìm được một công việc “người lớn”, hay những việc tương tự như vậy. Những khả năng như thế là vô tận! Thỉnh thoảng bạn lại lấy bản liệt kê ra và ghi thêm vào đó. Bạn sẽ thấy rằng mình có nhiều điều để tự hào.
Xem lại những tấm ảnh cũ, sổ lưu niệm, kỷ yếu của trường, vật lưu niệm sau những chuyến đi, thậm chí bạn có thể cân nhắc dùng nghệ thuật cắt dán ảnh cuộc đời và thành tích của bạn để xác định ngày tháng đã qua.

Nói lên những lời phát biểu đầy hy vọng. Hãy lạc quan và tránh lời tiên tri tự ứng nghiệm đầy bi quan. Nếu bạn chờ đợi điều xấu, nó sẽ thường đến với bạn. Ví dụ, nếu bạn dự đoán là phần thuyết trình của bạn sẽ diễn ra không được trôi chảy, sự việc có thể sẽ xảy ra như thế. Thay vì vậy, bạn hãy suy nghĩ tích cực và tự bảo mình, “Tuy rằng sẽ có thách thức, nhưng mình có thể hoàn thành tốt phần thuyết trình này”.
Tập trung vào câu “có thể” và tránh câu “nên”. Những câu “nên” ngụ ý rằng có điều gì đó bạn cần phải làm (mà bạn không làm ngay lúc này) và có thể khiến bạn căng thẳng nếu không đáp ứng được sự trông đợi đó. Thay vào đó, bạn hãy tập trung vào điều mà bạn CÓ THỂ làm.
Tự cổ vũ mình. Hãy tự khích lệ bản thân và ghi nhận những điều tích cực bạn đã làm. Chẳng hạn như bạn có thể thấy rằng mặc dù không hoàn thành hết bài tập thể dục như mong muốn, nhưng bạn cũng đang đến phòng tập gym mỗi tuần thêm một buổi. Hãy công nhận rằng mình đã tạo nên những thay đổi tích cực. Ví dụ, “Phần thuyết trình của mình có thể không hoàn hảo, nhưng các bạn đồng nghiệp có đặt các câu hỏi và cũng quan tâm – như vậy nghĩa là mình đã đạt được mục tiêu của mình”. Dần dần điều này sẽ điều chỉnh lối suy nghĩ của bạn theo hướng tự tin hơn.

Ví dụ, bạn đừng ngẫu hứng quyết định rằng ước mơ của bạn đến 35 tuổi sẽ là chơi khúc côn cầu chuyên nghiệp hoặc làm vũ công chính của đoàn múa ba lê. Điều này là không thực tế, và nó sẽ đánh gục lòng tự tin của bạn khi bạn nhận ra rằng mục tiêu đó thật xa vời và không thể đạt được.
Thay vào đó, bạn nên đặt những mục tiêu thực tế hơn, chẳng hạn như học giỏi môn toán hơn, biết chơi ghi ta hoặc học được một môn thể thao mới. Khi đặt ra các mục tiêu mà bạn có thể không ngừng bền bỉ phấn đấu và hoàn thành, bạn sẽ thôi luẩn quẩn với lối suy nghĩ tiêu cực khiến lòng tự tin bị sút giảm. Bạn sẽ thấy rằng bạn có khả năng đặt ra và đạt được các mục tiêu của mình, đồng thời còn có thể tận hưởng cảm giác thỏa mãn.
Bạn cũng nên đặt ra các mục tiêu có thể giúp bạn nhìn ra và cảm nhận sự tài giỏi của mình. Ví dụ, nếu muốn thông thạo tin tức thế giới hơn, bạn hãy quyết định mỗi ngày đều đọc báo trong một tháng. Hoặc bạn muốn giỏi hơn trong việc biết sửa xe đạp và quyết định học cách tự hiệu chỉnh máy xe. Khi hoàn thành được các mục tiêu mà qua đó bạn cảm nhận được năng lực và sự mạnh mẽ của mình, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn về bản thân.

Dùng ngôn ngữ cơ thể để bộc lộ sự tự tin. Giữ lưng thẳng khi đứng hoặc ngồi. Bước đi với những bước chân thong thả, thoải mái. Giao tiếp bằng mắt nhiều hơn với mọi người, và nếu cảm thấy hồi hộp, bạn hãy mỉm cười thay vì nhìn lảng sang chỗ khác.
Mỉm cười nhiều hơn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chính hành động mỉm cười có thể cải thiện tâm trạng và khiến bạn lạc quan hơn.
Nói nhiều hơn (nói nhiều tốt hơn là ít nói) với sự tự tin mạnh mẽ. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ, những người thường ít nói và ít tỏ ra quả quyết khi giao tiếp với nam giới. Bạn hãy nỗ lực để mọi người phải lắng nghe tiếng nói của bạn; ý kiến của bạn là quan trọng và bạn có giá trị xứng đáng để đóng góp vào cuộc đối thoại. Khi đã lên tiếng, bạn cần nói rõ ràng, phát âm chính xác; đừng lẩm bẩm hoặc lấy tay che miệng.

Đến bắt chuyện với ai đó trên xe buýt, gửi hình ảnh hoặc câu chuyện của mình để đăng báo, hoặc thậm chí mời người mà bạn thầm yêu đi chơi. Chọn một hoạt động nào đó đưa bạn ra xa một chút khỏi vùng an toàn mà lao tới với nhận thức rằng cuộc sống của bạn vẫn tiếp diễn cho dù kết quả có ra sao.
Thử nghiệm những hoạt động mới. Bạn có thể sẽ khám phá ra tài năng hoặc kỹ năng mà bạn không biết rằng mình có. Bạn có thể tập chạy và phát hiện ra rằng bạn rất giỏi chạy đường dài, điều mà trước đây bạn chưa từng nghĩ đến. Việc này sẽ giúp bạn nâng cao lòng tự tin.
Cân nhắc tham gia các hoạt động nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, thơ ca và khiêu vũ. Nghệ thuật thường giúp người ta biểu hiện bản thân và có được cảm giác “tinh thông” về một kỹ năng hoặc chủ đề nào đó. Nhiều cộng đồng có mở các lớp dạy miễn phí hoặc lấy giá phải chăng.

Cơ hội để giúp đỡ người khác thì nhiều vô kể. Làm việc thiện nguyện ở nhà dưỡng lão hoặc ở nhà dành cho người vô gia cư. Tham gia cùng với nhà thờ hoặc cộng đồng để giúp đỡ những người đau ốm hoặc nghèo khổ. Dành tặng thời gian và tâm sức cho đồng loại hoặc động vật. Giúp đỡ và dạy dỗ trẻ em. Làm vệ sinh công viên trong những dịp cộng đồng tổ chức.

Ăn ít nhất ba bữa một ngày với thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, protein gầy (như thịt gia cầm và cá) và rau tươi để nuôi dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Uống nước nhiều để cơ thể có đủ nước.
Tránh các loại thức ăn có caffeine, đường và thực phẩm chế biến. Các loại này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn và nên tránh nếu bạn lo ngại tâm trạng biến đổi thất thường hoặc có những cảm xúc tiêu cực.
Rèn luyện thân thể. Nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục thực sự có thể nâng cao lòng tự trọng. Đó là nhờ cơ thể tiết ra “hóa chất hạnh phúc” gọi là endorphin. Cảm giác khoan khoái này có thể đi kèm với sực lạc quan và năng lượng được nâng cao. Cố gắng mỗi tuần nên tập ba lần, mỗi lần ít nhất 30 phút với bài tập nặng. Hoặc ít nhất bạn cũng nên dành thời giờ đi bộ nhanh mỗi ngày.
Giảm căng thẳng. Lập kế hoạch để giảm căng thẳng trong đời sống hàng ngày bằng cách dành thời gian thư giãn và tham gia những hoạt động mà bạn thấy hứng thú. Học một lớp yoga, thiền, làm vườn hoặc làm bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thanh thản và lạc quan. Lưu ý rằng đôi khi stress có thể khiến người ta phản ứng thái quá hoặc để cho cảm xúc tiêu cực lấn át.

Tập trung vào sự nỗ lực thay vì chỉ chú ý đến mong ước về sự hoàn hảo. Nếu chỉ vì lo ngại rằng mình không thể làm một cách hoàn hảo mà lại không thử, bạn sẽ vuột mất cơ hội ngay từ đầu. Nếu bạn không bao giờ thử chơi trong một đội bóng rổ vì thiếu tự tin, đảm bảo bạn sẽ không thể giành được vị trí tốt trong đội. Đừng để áp lực hoàn hảo khiến bạn không thể tiến lên được.
Chấp nhận rằng bạn là một con người, mà đã là con người thì căn bản là không hoàn hảo và phải có lỗi lầm. Thực ra, những cái không hoàn hảo mới làm nên loài người chúng ta, đồng thời giúp chúng ta trưởng thành và tốt hơn lên. Có thể bạn không đậu vào trường đại học hàng đầu hoặc từng bị từ chối khi xin việc. Thay vì tự nhiếc móc mình vì những sai lầm, bạn hãy coi đó là những cơ hội để học hỏi và trưởng thành, là những điều mà sau này bạn có thể sửa chữa. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng mình cần suy nghĩ nhiều hơn về con đường học vấn trong tương lai, hoặc cần phải học kỹ năng trả lời phỏng vấn. Hãy bao dung bản thân và tiến tới trước; điều này sẽ không dễ dàng nhưng lại là chìa khóa để tránh vòng luẩn quản cảm giác tủi thân và thiếu tự tin.

Hãy nhớ rằng lòng tự tin không phải là một thứ mà bạn đạt được, mà là cả một quá trình. Trong suốt cuộc đời, bạn phải nỗ lực không ngừng để tạo lập và rồi tạo lập lại lòng tự tin, bởi cuộc đời sẽ đặt ra nhiều bất ngờ và vật cản trên con đường bạn đi. Bạn không ngừng biến chuyển, và lòng tự tin của bạn cũng sẽ tiến triển như vậy.
Phương pháp 2 của 3:
Lấy lại Lòng Tự tin trong Mối quan hệ

Hãy nhớ rằng việc phát triển lòng tự trọng là một phần không thể thiếu cho sự thành công trong tình cảm. Một nghiên cứu trên 287 người trẻ cho thấy rằng những người có lòng tự trọng cao – trong đó bao gồm sự tự tin biểu hiện ở vẻ ngoài và trong cá tính – có khả năng thành công hơn trong quan hệ tình cảm.
Nếu gần đây lòng tự tin của bạn đã bị tổn thương vì mối quan hệ xấu hoặc chia tay, hãy để thời gian giúp bạn hồi phục. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ly hôn và ly thân có thể tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, bao gồm cả việc tăng áp lực và lo âu, đồng thời gia tăng nguy cơ lạm dụng rượu, bệnh tiểu đường và bệnh tim. Quả là không dễ dàng khi đổ vỡ một mối quan hệ, nhưng bạn có thể vượt qua sự chia tay bằng cách để cho thời gian chữa lành vết thương và đứng dậy.

Ví dụ, có thể người yêu cũ của bạn trước đây đã lừa dối bạn. Thay vì tự trách mình và cứ mãi cõng gánh nặng trên lưng, bạn hãy suy nghĩ rằng sự việc này làm cho bạn giảm sút khả năng tin tưởng vào người yêu tương lai của bạn, khiến bạn luôn e sợ như chim sợ cành cong. Bạn sẽ có thể vượt qua khi biết được những lĩnh vực nào mình thiếu tự tin.

Bạn cũng sẽ nhận thấy rằng cuộc tình đã qua không phản ánh con người của bạn, mà đó là hình ảnh của bối cảnh rộng lớn hơn bao gồm nhiều con người và các yếu tố (như bên thứ ba, sự xa cách, sự xung khắc, v.v…) Mối quan hệ không cho thấy bạn là ai, mà chỉ cho thấy vai trò của bạn trong đó. Dù bạn tự trách mình khi sự việc không được như ý, nhưng thời gian và tầm nhìn xa sẽ giúp bạn nhận ra rằng có nhiều nguyên nhân làm cho sự việc không được tốt đẹp như mong muốn và bạn không phải là người căn bản có lỗi.

Nhiều phụ nữ rất nhút nhát khi tiếp cận với nam giới, vì theo truyền thống mối quan hệ thường không bắt đầu theo cách đó. Nhưng bây giờ là thế kỷ 21! Nếu bạn là phụ nữ và đang cười chê cách làm quen đó thì hãy nghĩ lại! Đó là một cơ hội để bạn nâng cao lòng tự tin trong tình cảm mà bạn nên nắm bắt, và có thể bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả! Đừng quên rằng nếu không thử, bạn sẽ không bao giờ biết mọi việc sẽ tiến tới đâu.
Bạn không cần phải hẹn hò với tất cả mọi người hoặc thử mọi thứ, mà nên chọn lọc. Hãy tận hưởng tình bạn và lòng mến thương của những người mà bạn yêu thích và quan tâm, đồng thời tự nhắc bản thân rằng bạn vẫn có nhiều điều để đóng góp vào mối quan hệ tình cảm.

Ngoài ra, hãy học cách thể hiện sự lo lắng và những bất an. Khi cố gắng chống chọi với những bất an đang len lỏi vào trong mối quan hệ, bạn cần luôn thẳng thắn với mình và với người yêu. Trung thực là cách xử sự khôn ngoan nhất. Hãy nói lên cảm giác của mình. Khi bạn cởi mở NGHĨA LÀ bạn đang tự tin.
Phương pháp 3 của 3:
Lấy lại Lòng Tự tin trong Công việc

Luôn duy trì cái nhìn toàn cảnh. Thay vì để cơn giận tức thời điều khiển khi cảm thấy ai đó đang xúc phạm hoặc xử sự thô bạo với mình, bạn hãy cố gắng suy nghĩ rằng tại sao họ lại nói như vậy. Xua đi ý nghĩ rằng việc bạn đã làm chính là nguyên nhân, mà hãy nghĩ về sự căng thẳng và cái tôi cũng góp phần trong việc này.
Nhớ lại các chi tiết trong thành công của bạn ngày trước. Ví dụ, nếu gần đây bạn được thăng chức hoặc khen ngợi, hãy nhắc mình về điều đó và lý do bạn được cất nhắc. Điều này có thể giúp nâng cao sự tự tin của bạn mà không cần lời động viên khuôn sáo nào. Thay vào đó, bạn đang dùng kinh nghiệm và năng lực của mình để tạo động lực và nuôi dưỡng sự tự tin bên trong mình!

Nếu những khó khăn hoặc sự xúc phạm mà bạn đang phải đối mặt ở nơi làm việc có tính chất lạm dụng hoặc phạm pháp, bạn hãy ghi lại bằng chứng và liên lạc với ban quản lý nhân lực hoặc các cấp có thẩm quyền bên ngoài (tùy tình huống). Bạn có quyền được làm việc mà không bị làm hại dưới bất kỳ hình thức nào do bất cứ thành viên nào ở nơi làm việc gây ra.

Có nhiều nguồn hỗ trợ chuyên môn miễn phí mà bạn có thể tận dụng để học hỏi và phát triển trong những lĩnh vực mới cho công việc của mình. Bạn có thể đọc sách và tham gia các khóa học online để hỗ trợ cho công việc và học những kỹ năng đa dạng trong nghề nghiệp, chẳng hạn như cách quản lý và kỹ năng làm việc nhóm. Ban quản lý nhân sự nơi bạn làm việc có thể cũng có chương trình huấn luyện miễn phí và hỗ trợ vật chất, và đó là nơi thích hợp để bạn bắt đầu phấn đấu phát triển chuyên môn. Tóm lại, bạn nên sử dụng các nguồn lực của mình để học hỏi và trưởng thành. Chỉ đơn giản bắt tay vào hành động là bạn đã có thể cải thiện được lòng tự tin của mình.

Có thể bạn đang lo sợ vì phải thuyết trình trong bầu không khí chuyên môn. Hãy làm việc với cấp trên và đồng nghiệp để nâng cao những kỹ năng đó trong một môi trường động viên và thân thiện. Khi có thể trình bày bản thuyết trình của mình mà không hồi hộp, bạn sẽ xây dựng được lòng tự tin trong công việc.

Bạn cũng nên chú ý biểu hiện của bạn trong các cuộc họp. Bạn có giao tiếp bằng mắt và giữ vẻ hoạt bát không? Bạn chỉ ngồi đó hay bạn cho thấy sự quan tâm bằng cách gật đầu và đặt câu hỏi vào lúc thích hợp? Hãy cố gắng tỏ ra hăng hái và chăm chú, đồng thời giữ cơ thể với dáng điệu mở (ví dụ không khoanh tay) để cho mọi người thấy rằng bạn tự tin và hứng thú với công việc của bạn.
Đừng lúc nào cũng xin lỗi, nhất là khi bạn không có lỗi vì điều này chứng tỏ bạn đang thiếu tự tin và lệ thuộc vào sự công nhận của mọi người.
Thiếu tự tin khác với các bệnh về tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu mạn tính. Nếu cảm thấy mình không thể kiểm soát tâm trạng và mức độ stress, bạn hãy tìm sự tư vấn của bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần như chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ trị liệu.
Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/L%E1%BA%A5y-l%E1%BA%A1i-L%C3%B2ng-T%E1%BB%B1-tin