Do bản năng bảo bọc con cái, các bà mẹ thường cảnh giác khi nghe con mình báo tin đã có bạn trai. Đây có thể sẽ là cuộc trò chuyện ngượng ngập và nhạy cảm, bất kể anh ấy là mối tình đầu của bạn, hoặc anh ấy không như mong đợi của mẹ, hay giả sử như bạn tiết lộ mình là người đồng tính và đang hẹn hò với một cậu con trai khác. Cho dù mẹ có nổi giận và không cho bạn hẹn hò với anh ấy, bạn cần nhớ rằng chẳng qua mẹ chỉ muốn tốt cho bạn. Hãy lắng nghe những lý do mẹ nêu ra với thái độ cởi mở và xin mẹ lời khuyên. Nói với mẹ rằng bạn coi trọng kinh nghiệm và sự hiểu biết của mẹ, đồng thời tỏ ra có trách nhiệm và chín chắn đủ để có thể bắt đầu tự quyết định về mối quan hệ của mình.
Phương pháp 1 của 3:
Nói với mẹ về bạn trai đầu tiên của bạn

Đừng lần lữa hết tuần này qua tháng khác mà vẫn chưa nói với mẹ về bạn trai đầu tiên của mình, nhưng bạn cũng không nên đột nhiên dẫn anh ấy đến trước mặt mẹ và bảo “Mẹ ơi, đây là bạn trai của con!” Hãy nói chuyện riêng với mẹ trước.
Chọn thời điểm mà trước đó bạn không làm gì để mẹ bực mình cũng là khôn ngoan. Nếu bạn vừa làm điều gì đó tắc trách và thiếu chín chắn hoặc vừa gây rắc rối, có thể mẹ sẽ kết luận là bạn chưa đủ trưởng thành để yêu đương.

Nói chuyện với cả bố và mẹ cùng lúc cũng thường là ý hay, nhưng trong nhiều trường hợp thì nói với mẹ trước sẽ thoải mái hơn.
Đôi khi các ông bố có thái độ bảo bọc hơn khi biết con mình bắt đầu có bạn trai. Một số người có thể cố chấp hơn khi hay tin con mình là người đồng tính, một số khác lại rất khó chấp nhận một người khác chủng tộc hoặc tôn giáo làm bạn trai của con.

Lên kế hoạch và viết ra để tập trước là một ý rất hay, nhưng bạn nhất định phải nói chuyện trực tiếp với mẹ.
Thử viết ra những ý chính như “Mẹ, có chuyện này con không muốn giấu mẹ. Mấy tuần trước bạn Tùng học cùng trường hỏi con có thể làm bạn gái của cậu ấy không, con đã đồng ý. Bọn con học cùng khối, cậu ấy thông minh và dễ thương lắm mẹ.”
Ghi ra một số ý để nói nếu phản ứng của mẹ không như bạn mong đợi. Bạn có thể nói “Con biết mẹ nghĩ con chưa đủ trưởng thành để có bạn trai, nhưng mẹ có thấy bây giờ con đã chín chắn nhiều rồi không ạ? Con hoạt động tích cực ở trường này, luôn đạt điểm cao này, rồi còn làm mọi việc của con ở nhà mà không đợi mẹ phải nhắc nữa. Con chưa nghĩ đến chuyện kết hôn hay gì đó với cậu ấy, nhưng con nghĩ mình bắt đầu có bạn trai được rồi, và nhất định là con cũng muốn biết các quy tắc của mẹ và muốn mẹ cho con lời khuyên.”

Điểm số của bạn có cao không? Bạn có phải là thủ lĩnh ở trường hoặc trong các hoạt động sau giờ học không? Bạn còn có những điểm nào chứng tỏ mình chín chắn và có trách nhiệm không?
Những ưu điểm trên là điều mà bố mẹ bạn muốn thấy trước khi bạn có bạn trai, vì vậy bạn hãy học hành chăm chỉ, hoàn thành nhiệm vụ của bạn ở nhà và cho bố mẹ thấy bạn có trách nhiệm như thế nào.
Tương tự, bạn nên nói càng nhiều điều tích cực về bạn trai càng tốt. Hãy chứng tỏ cho mẹ thấy rằng mẹ có thể tin vào sự xét đoán của bạn. Thử kể với mẹ những việc đáng yêu anh ấy thường làm cho bạn, anh ấy đối xử tốt với bạn như thế nào, có những tài năng gì và những ưu điểm khác của anh ấy.
Suy nghĩ về các điểm tích cực của bạn trai cũng là cách để bạn xác định xem anh ấy có xứng đáng với thời gian mà bạn dành cho anh ấy không. Nếu bạn không thể liệt kê ra những điều tốt đẹp của bạn trai để nói với mẹ một cách trung thực thì có lẽ anh ấy không phải là người phù hợp với bạn.

Đừng tự nhiên cho rằng mẹ sẽ hoảng hốt, nhất là khi bạn đã trải qua tuổi dậy thì êm thắm hoặc đang dần dần trưởng thành. Biết đâu mẹ bạn sẽ rất vui và háo hức muốn trò chuyện với bạn về anh ấy thì sao?
Cảm giác ngượng ngập và muốn giữ kín chuyện riêng tư là điều tự nhiên, nhưng trong hầu hết trường hợp thì bạn phải chia sẻ thông tin về bạn trai với bố mẹ.

Nếu muốn chứng tỏ với mẹ rằng bạn đã đủ trưởng thành để có bạn trai, bạn phải khiến mẹ tin tưởng bạn. Hành động giấu giếm sẽ chỉ làm tổn hại lòng tin mà bạn đã có.
Đừng nói dối về thời điểm bạn bắt đầu hẹn hò. Hãy cố gắng thành thật về mọi chi tiết hết mức có thể. Hẳn là bạn không muốn sau này bị “bóc phốt” nói dối, chẳng hạn như ngày kỷ niệm hai người yêu nhau!
Phương pháp 2 của 3:
Xử lý các tình huống nhạy cảm

Đừng để bạn trai gây áp lực buộc bạn phải công khai. Điều quan trọng nhất trong việc tiết lộ mình là người đồng tính chính là bạn phải sẵn sàng.
Nếu đã quyết định công khai, bạn hãy bình tĩnh, thẳng thắn, trung thực và rõ ràng. Tâm sự với mẹ rằng bạn có bạn trai và rất quan tâm đến anh ấy, rằng bạn biết xu hướng tình dục có thể thay đổi, nhưng hiện giờ bạn rất thích anh ấy.
Hãy kiên nhẫn khi mẹ bạn đang xử lý thông tin mà bạn vừa tiết lộ, nhất là khi mẹ hoàn toàn bị bất ngờ. Hãy nói “Con biết đây là việc khó khăn và phải có thời gian để chấp nhận. Con cũng trải qua một thời gian dài để quyết định nên con hiểu!”

Nếu thấy mẹ dễ thông cảm hơn và muốn nói chuyện với mẹ, bạn hãy xin mẹ lời khuyên xem nên nói với bố và những thành viên khác trong gia đình như thế nào và khi nào.

Cố gắng đừng giấu giếm mối quan hệ khác văn hóa, dù bạn ở tuổi mới lớn hay đã trưởng thành. Nhỡ mai này thời gian trôi qua và hai bạn đính hôn với nhau thì sao? Hơn nữa, hẳn là bạn sẽ không muốn gây thêm cảm giác tiêu cực vì đã làm cho mẹ cảm thấy không tin vào bạn hay bạn trai của bạn.
Đừng lợi dụng bạn trai để chống lại nền văn hóa mà bạn đang sống trong đó. Như vậy là không công bằng với anh ấy, và rốt cuộc mục đích của bạn chỉ là che đậy thái độ căng thẳng của bạn với truyền thống mà thôi.
Khi nói chuyện với mẹ về mối quan hệ khác nền văn hóa, bạn cần thông cảm và kiên nhẫn. Cho mẹ thời gian để thấu hiểu, và hãy thông cảm với mẹ thay vì buộc mẹ phải chấp thuận.

Cố gắng dung hòa cảm giác lo sợ và lòng tin của bạn với mẹ. Để ý đến phản ứng của mẹ với bạn bè và các thành viên khác trong gia đình có các mối quan hệ tương tự.
Nếu bạn tin rằng mẹ sẽ chấp nhận nhưng bố thì không, hãy hỏi lời khuyên của mẹ xem nên nói với bố như thế nào.
Nếu bạn đang ở bên cạnh một người đối xử tốt với bạn và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên anh ấy, đừng để mẹ hoặc bố của bạn ép bạn phải lựa chọn. Hãy nói rõ ràng với mẹ rằng thế giới ngày nay đã gắn kết hơn, và càng ngày càng nhiều người vượt qua mọi rào cản để đến với nhau.

Hãy thử nói “Con biết mẹ nghĩ anh Minh là kẻ thất bại, nhưng từ khi chúng con chia tay thì anh đã thay đổi rồi mẹ ạ. Anh ấy đã kiếm việc làm và làm được sáu tháng nay rồi. Anh ấy có một căn hộ và mua được xe mới nữa. Minh nói là anh ấy sửa đổi để mong con suy nghĩ và quay lại với anh ấy.”
Nếu bạn mới trưởng thành và biết là bạn trai có những điểm mà mẹ không hề thích, hãy xem xét mọi khía cạnh của tình huống. Nếu chỉ mới hẹn hò với anh chàng đó được vài tuần và biết là chuyện sẽ không đến đâu, có lẽ bạn không nên nói với mẹ là mình đang hẹn hò ngẫu hứng với một anh chàng đeo đến tám chiếc khuyên trên người và xăm trổ đầy hai cánh tay.
Nhớ rằng mẹ luôn lo cho hạnh phúc của bạn. Nếu mẹ không chấp nhận bạn trai bạn, hãy ngẫm nghĩ xem mẹ có lý không. Có thể bạn không nên quay lại với người cũ hoặc nên chia tay với anh chàng có quá khứ phức tạp đó. Bây giờ bạn tin vào trực giác của mẹ thì có thể sau này bạn sẽ tránh được buồn khổ.
Phương pháp 3 của 3:
Xử trí khi không được chấp thuận

Nếu mẹ bảo bạn cho mẹ một phút để suy nghĩ, bạn nhất định phải cho mẹ thời gian một mình nếu cần thiết.
Cho mẹ biết rằng bạn muốn dung hòa và giúp mẹ thoải mái hơn với mối quan hệ của bạn, chẳng hạn như bằng cách nghe những quy tắc mẹ đưa ra. Nếu thấy mẹ lo lắng hoặc lưỡng lự, bạn hãy hỏi mẹ có đặt ra điều kiện gì khi bạn gặp anh ấy, hoặc hai bạn có được phép ở riêng với nhau không.

Hỏi về những trải nghiệm của mẹ xoay quanh chuyện hẹn hò, tình dục, sức khỏe và các vấn đề khác liên quan đến mối quan hệ tình cảm.
Đừng để lại toàn bộ chi tiết về đời sống riêng tư của bạn cho một cuộc trò chuyện nghiêm túc.
Cố gắng giao tiếp cởi mở với mẹ, cả trước và sau khi bạn kể với mẹ về bạn trai.
Giải thích với mẹ rằng sự trung thực và tin tưởng lẫn nhau là điều vô cùng quan trọng đối với bạn. Hãy tìm cách xua tan ngại ngùng và thường xuyên gợi mở những cuộc trò chuyện cởi mở và không phán xét.

Có thể mẹ bạn không đồng ý là có lý do xác đáng. Có thể bạn còn quá nhỏ để yêu đương, hoặc anh ấy không phù hợp với bạn. Đừng quên rằng mẹ có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống hơn bạn.
Nếu bạn đang trong độ tuổi mới lớn và thực sự tin rằng mình đã chín chắn để có mối quan hệ tình cảm, mục tiêu của bạn sẽ là chứng minh cho mẹ thấy rằng bạn đang dần trưởng thành đủ để tự ra quyết định.

Ứng xử một cách hiểu biết và bình tĩnh là cách để bạn chứng tỏ với mẹ về sự chín chắn của bạn. Nếu thấy bạn đang lớn dần và trưởng thành hơn, cuối cùng mẹ sẽ nghĩ lại.

Nếu mẹ bạn nói rằng bạn còn chưa đủ lớn, hãy thử hỏi “Vậy mẹ nghĩ con bao nhiêu tuổi mới đủ lớn ạ? Hồi xưa mẹ bao nhiêu tuổi thì có bạn trai? Mẹ có nghĩ sự khác biệt giữa hiện nay và ngày xưa ảnh hưởng đến độ tuổi người ta nên bắt đầu có mối quan hệ không?”
Nếu mẹ bạn chỉ không chấp nhận anh chàng ấy, hãy hỏi lý do. Nhớ rằng mẹ thường là người duy nhất trên thế giới này hết lòng tận tụy vì hạnh phúc của bạn. Hãy hỏi “Sao mẹ nghĩ anh ấy không phù hợp với con ạ? Có phải mẹ đã từng hẹn hò với người giống như anh ấy và có trải nghiệm buồn không?”
Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/N%C3%B3i-chuy%E1%BB%87n-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BA%B9-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A1n-trai