Chứng thở khò khè thường gây khó chịu và có thể khiến bạn hơi ngượng ngùng. Nhưng đừng lo – đa số các trường hợp thở khò khè là không nghiêm trọng và tương đối dễ điều trị. Từ “khò khè” mô tả âm thanh rít khi thở ra hoặc hít vào, thường kèm theo tình trạng co thắt đường thở và khó thở. Để trị chứng thở khò khè, bạn hãy dùng hơi nước và nhiệt độ ấm để thư giãn phổi, giúp phổi hít không khí vào dễ dàng hơn. Có thể bạn cần được điều trị y tế nếu chứng thở khò khè là do dị ứng nặng hoặc hen suyễn. Trong trường hợp có nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng, bạn hãy đến bác sĩ hoặc bệnh viện để được điều trị.

Phương pháp 1 của 3:

Tìm sự chăm sóc y tế khi bị khò khè nặng

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 17


Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng thở khò khè gây phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Hãy đi khám bệnh nếu bạn luôn luôn thở khò khè, hoặc bạn nhận thấy mình không thể thực hiện một số hoạt động nào đó, chẳng hạn như chạy, nhấc các vật nặng hoặc bơi lội. Trong nhiều trường hợp, thở khò khè chỉ là một triệu chứng của một bệnh lý khác như hen suyễn hoặc dị ứng. Bạn nên sắp xếp cuộc hẹn đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân nếu triệu chứng kéo dài quá vài ngày.

    Mặc dù có vẻ phiền toái, nhưng đi khám bệnh là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để chữa trị chứng thở khò khè dai dẳng.

    Đến phòng khám bác sĩ hoặc phòng cấp cứu ngay nếu chứng thở khò khè có kèm triệu chứng đau ngực.

Tiêu đề ảnh Naturally Reduce Blood Pressure Step 18

Mô tả tình trạng khò khè và các triệu chứng có liên quan cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và các tác nhân kích thích. Bạn hãy mô tả chứng khò khè đã diễn ra bao lâu, và có yếu tố nhất định nào (chẳng hạn như tập thể dục) thường xuất hiện cùng chứng thở khò khè không. Bác sĩ cũng có thể nghe phổi của bạn bằng ống nghe, và nếu chưa từng được khám phổi, bạn có thể được yêu cầu làm xét nghiệm hơi thở.

    Các bệnh lý thường gây ra chứng thở khò khè bao gồm hen suyễn, dị ứng, viêm phế quản, các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác và chứng rối loạn lo âu.

    Có thể bạn cũng cần phải làm các xét nghiệm khác, bao gồm xét nghiệm máu và chụp X-quang phổi.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 18

Trao đổi với bác sĩ để biết liệu ống hít có giúp ích cho bạn hay không. Ống hít qua đường miệng – thường chứa thuốc làm loãng chất nhầy albuterol – sẽ giúp bạn hết khò khè ngay lập tức. Trẻ em sẽ không biết hỏi bác sĩ về ống hít, vì vậy nếu có con bị hen suyễn, bạn hãy thay trẻ hỏi bác sĩ về việc này.

    Chứng thở khò khè do hen suyễn cũng có thể được điều trị bằng ống hít giãn phế quản khẩn cấp, thuốc corticosteroid dạng hít, ống hít kết hợp corticosteroid và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài, và thuốc kiểm soát hen.

Tiêu đề ảnh Treat Acne During Pregnancy Step 12

Điều trị chứng khò khè do bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Có nhiều cách điều trị chứng thở khò khè khác nhau, tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra. May mắn là hầu hết các bác sĩ đều quen thuộc với nhiều bệnh lý về phổi và có thể chẩn đoán chính xác về tình trạng của bạn, nếu có. Sau khi nguyên nhân đã được chẩn đoán, bạn cần phối hợp với bác sĩ để xác định phác đồ điều trị tốt nhất phù hợp với bạn.

    Ví dụ, chứng thở khò khè do dị ứng có thể được ngăn ngừa bằng cách tránh các dị nguyên đã được xác định. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc kháng histamine không gây buồn ngủ.

    Trao đổi với bác sĩ để biết liệu chứng thở khò khè có bắt nguồn từ tình trạng ô nhiễm môi trường, hệ miễn dịch hoạt động quá mức hoặc đường ruột nhạy cảm hay không.

    Các bệnh lý như hen suyễn và dị ứng có thể do một bệnh tự miễn tiềm ẩn gây ra, và việc loại bỏ các tác nhân kích thích bệnh có thể giúp cải thiện chứng khò khè. Ví dụ, bạn có thể phải loại bỏ gluten hoặc sữa trong chế độ ăn nếu bạn bị dị ứng với các thức ăn này. Tương tự, bạn cũng cần điều trị bất cứ bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn nào có thể khiến cho hệ miễn dịch quay sang tấn công phổi thay vì chống nhiễm trùng.

    Bác sĩ có thể kê toa thuốc hít giãn phế quản để trị chứng khò khè do viêm phế quản, và nếu bệnh nhiễm vi khuẩn phát triển, bạn cũng có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh.

    Bệnh nhân thở khò khè do chứng rối loạn lo âu nên tìm cách điều trị chứng lo âu. Phương pháp điều trị có thể dưới hình thức thuốc men, trị liệu tâm lý hoặc kết hợp cả hai.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 19

Tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu chứng khò khè khiến bạn khó thở. Nếu bạn cảm thấy nặng nhọc khi thở và lo sợ rằng sắp không thở được nữa, hãy lập tức đến (hoặc nhờ ai đó đưa đến) phòng cấp cứu. Bạn cũng cần tìm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bị hôn mê, chóng mặt hoặc sốt cao, hoặc nếu da xanh tái khi thở khò khè.

    Điều trị cấp cứu có thể bao gồm một mũi tiêm epinephrine để mở đường thở. Bạn cũng có thể được thở ô xy, điều trị bằng corticosteroid, khí dung, hoặc thông khí cơ học (thở máy).

    Một số cách điều trị trên có vẻ hơi đáng sợ, nhưng chúng đều không gây đau và giúp ích trong việc chữa trị chứng khò khè.

Phương pháp 2 của 3:

Thư giãn ngực và phổi

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 4

Hít hơi nước để thư giãn phổi nhằm làm lỏng đường thở. Tắm vòi sen nước nóng bốc hơi hoặc mở máy phun hơi trong phòng. Khi bạn hít hơi nước, độ ấm và ẩm sẽ giúp thư giãn đường thở đang căng thẳng và giúp làm long chất nhầy đang làm nghẽn đường thở trong phổi. Bạn sẽ thở dễ dàng hơn và hết khò khè sau 5-10 phút.

    Để có hiệu quả tương tự, bạn có thể đun sôi 1 lít nước với 8-10 giọt dầu bạc hà cay, sau đó đem vào phòng nhỏ đóng kín cửa và thở trong hơi nước.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 8

Uống thức uống ấm để thư giãn phổi và chữa khò khè. Khi nhận thấy mình đang thở khò khè, bạn hãy pha một thức uống nóng và uống từ từ trong khoảng 10- 15 phút. Trà thảo mộc là một lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể nhấm nháp trà gừng, trà cúc La Mã, trà bạc hà hoặc cam thảo. Các thức uống ấm có tác dụng làm dịu đường thở căng thẳng trong phổi và khỏi khò khè.

    Khi được dùng với lượng vừa phải, cà phê cũng có thể đem lại một số lợi ích. Caffeine có thể làm giãn đường thở, giúp bạn thở dễ hơn và hết khò khè. Tuy nhiên caffeine cũng có thể gây mất nước, đo đó bạn không nên uống hơn 3 cốc 250 ml mỗi ngày, và nhớ bù lại bằng cách uống nhiều nước.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 13

Làm ấm ngực và lưng trên để thư giãn cơ và đường thở. Khi bạn khò khè và khó thở, cơ thể bạn sẽ bị căng và đường thở bị co thắt. Để chống lại tình trạng này và hết khò khè, bạn có thể nhúng khăn vào nước và đun nóng trong lò vi sóng trong 2 phút. Khi khăn đã ấm, bạn hãy đắp lên ngực, lưng trên, vai và cổ trong khoảng 10 phút. Nhiệt độ ấm đem lại cảm giác dễ chịu trên da và giúp phổi thư giãn. Bạn có thể nhờ người thân vỗ mạnh lên lưng trong khi bạn đang làm ấm phần thân trên để làm long chất nhầy gây tắc nghẽn trong phổi.

    Thay vì dùng khăn nóng, bạn có thể dùng chai nước nóng. Nhớ đừng dùng nước quá nóng để tránh bỏng. Chai nước phải có nhiệt độ dễ chịu khi áp vào da.

    Chứng thở khò khè có liên quan đến các cơ bị căng trong ngực, vì vậy việc làm ấm có thể giúp làm thư giãn những vùng này và tình trạng khò khè sẽ giảm.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 11

Xoa dịu để thư giãn cơ thể và mở đường thở bị co thắt. Cơ thể bạn sẽ tự nhiên bị căng thẳng khi bạn thở khò khè. Hậu quả là phổi và cổ họng cũng sẽ co thắt. Hầu như bất cứ hoạt động nào giúp bạn thả lỏng mà không gây áp lực cho phổi đều có lợi. Ví dụ, bạn có thể thử thực hành vài bài tập hít thở, thiền, nghe nhạc êm dịu hoặc tắm nước ấm.

    Phương pháp thư giãn cơ thể sẽ giúp làm lỏng chất nhầy trong phổi, giúp bạn thở dễ dàng trở lại.

Phương pháp 3 của 3:

Loại bỏ các tác nhân kích thích từ môi trường

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 1

Làm sạch môi trường sống để loại bỏ bụi và các chất gây hại cho phổi. Việc loại bỏ các chất gây kích ứng trong không khí mà bạn hít vào có thể ngăn chặn chứng khò khè. Bạn nên lau, quét và hút bụi trong nhà và văn phòng mỗi tuần ít nhất 1 lần. Nếu nhà có nuôi thú cưng, có thể bạn cần hút bụi cách ngày để làm sạch lông và các vẩy da vật nuôi. Làm vệ sinh hoặc thay bộ lọc trong máy sưởi và hệ thống làm mát 3 tháng một lần, sử dụng (hoặc lắp đặt) bộ lọc không khí ít gây dị ứng để lọc chất gây kích ứng đường hô hấp hiệu quả hơn.

    Mở máy lọc không khí trong các phòng thường ở, bao gồm phòng ngủ và văn phòng.

Áp dụng chế độ ăn kiêng để xác định chứng dị ứng thức ăn nếu có. Hệ miễn dịch có thể hiểu nhầm thức ăn là mối nguy hại và quay sang tấn công chính cơ thể. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như thở khò khè, ngứa và phát ban. Để biết liệu chứng khò khè của bạn có liên quan đến dị ứng thức ăn không, bạn hãy loại bỏ các dị nguyên khả dĩ như gluten, sữa, đậu nành, lúa mì, quả hạch, sò ốc và các chất ngọt nhân tạo trong 6 tuần, sau đó lần lượt đưa trở lại vào chế độ ăn từng thứ một và theo dõi xem nó ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể.

    Nếu các triệu chứng biến mất trong khoảng thời gian bạn ăn kiêng, nhiều khả năng là bạn bị dị ứng thức ăn. Nếu các triệu chứng xuất hiện trở lại sau khi bạn ăn một loại thực phẩm nào đó thì rất có thể đó chính là tác nhân đã gây dị ứng. Hãy loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn.

    Gluten và sữa là những thủ phạm gây dị ứng thức ăn phổ biến nhất.

    Bạn nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để lập chế độ ăn kiêng đáp ứng nhu cầu của bạn.

Chú ý điều trị hoặc ngăn ngừa chứng rò rỉ ruột. Đây là hội chứng ruột có các lỗ nhỏ li ti khiến các chất độc và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến các bệnh lý khác như thở khò khè, dị ứng hoặc hen suyễn. Các lỗ nhỏ li ti này có thể do gien di truyền hoặc do chế độ ăn gây ra. Bạn hãy áp dụng chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ với các thực phẩm tươi, protein nạc và carbs phức để hỗ trợ đường ruột. Tránh ăn đường, giảm thức uống có cồn và hạn chế chất béo bão hòa để bảo vệ ruột.

    Tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn thực phẩm chế biến sẵn khỏi chế độ ăn.

    Nếu xác định được loại thực phẩm gây dị ứng, bạn cũng cần kiêng ăn thực phẩm đó.

    Đi bộ 15-20 phút sau khi ăn cũng có thể giúp bạn điều trị hoặc ngăn ngừa rỏ rỉ ruột.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 3

Tránh các dị nguyên và các tác nhân khác có thể gây khò khè. Tình trạng phơi nhiễm với các dị nguyên trong môi trường, thức ăn gây dị ứng và thức ăn sinh đờm có thể khiến chứng thở khò khè thêm trầm trọng. Các thức ăn sinh đờm bao gồm các sản phẩm sữa, chuối, và đường. Nếu không xác định được loại thực phẩm, phấn hoa hoặc vẩy da động vật (nếu có) gây dị ứng, bạn hãy yêu cầu được làm xét nghiệm dị ứng.

    Điều trị chứng dị ứng mùa vốn không thể tránh được bằng thuốc kháng histamine không kê toa. Chứng dị ứng mùa nghiêm trọng có thể cần được điều trị bằng thuốc kê toa.

Tiêu đề ảnh Stop Wheezing Step 5

Tránh xa các mùi hương mạnh có thể làm co thắt đường thở. Các mùi hương nồng chưa chắc đã có hại nếu phổi của bạn khỏe mạnh, nhưng nó có thể khiến đường thở co thắt thêm khi đang bị căng thẳng. Mùi hoá chất như sơn và các chất tẩy rửa có thể là một vài trong số các thủ phạm đáng sợ nhất, nhưng bạn nên tránh cả những thứ như nước hoa, xà phòng hoặc dầu gội có hương thơm quá nồng.

    Các mùi hương mạnh mà bạn hít vào có thể gây ra hoặc khiến chứng thở khò khè nặng thêm.

    Nếu dễ bị khò khè, bạn đừng hút thuốc lá và tránh ở gần những người hút thuốc. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh đến những khu công nghiệp có không khí ô nhiễm nặng.

    Nếu bạn bị khò khè khi ra ngoài trời vào mùa đông, hãy quàng khăn khi trời trở lạnh. Không khí lạnh có thể làm căng đường thở và phổi, dẫn đến khò khè nhiều hơn. Nếu nhiệt độ hạ thấp đến mức bạn nhìn thấy hơi thở của mình, hãy quấn khăn quanh mũi và miệng trước khi bước ra ngoài trời.

    Chứng thở quá nhanh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng thở khò khè. Nếu bạn có cả hai triệu chứng này, việc học cách thở chậm lại có thể ngăn ngừa phổi thở quá nhanh và giảm khò khè.

Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/Tr%E1%BB%8B-ch%E1%BB%A9ng-th%E1%BB%9F-kh%C3%B2-kh%C3%A8