Những hạt hạnh nhân ngon lành bổ dưỡng là quả của cây hạnh nhân, một loài cây bản địa ở Trung Đông và Nam Á có họ hàng với đào, mơ và các cây quả hạch khác. Hạnh nhân là loài cây tương đối khó tính; nếu không được trồng ở vùng khí hậu thích hợp và với kỹ thuật chăm sóc đúng, cây hạnh nhân có thể rất khó sống sót chứ chưa nói đến ra quả.

Phần 1 của 4:

Trồng cây hạnh nhân

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 1


Đảm bảo điều kiện trong vùng phải thích hợp để trồng hạnh nhân. Cây hạnh nhân vốn có nguồn gốc từ vùng khí hậu nóng khô của Trung Đông và Nam Á, là loài cây sinh trưởng tốt nhất trong những vùng có mùa hè nóng, mùa đông ôn hòa và không thích nghi tốt lắm trong các điều kiện khác. Cây hạnh nhân thường không thể sống được ở xứ lạnh. Trừ khi trồng cây trong nhà với môi trường được kiểm soát kỹ càng, bạn sẽ gặp khó khăn khi trồng cây hạnh nhân bên ngoài vùng khí hậu Địa Trung Hải hoặc Trung Đông.

    Nếu ở Mỹ, bạn có thể sử dụng bản đồ phân vùng canh tác của USDA (USDA Plant Hardiness Zone Map) để xác định khí hậu nơi bạn sống có thích hợp để trồng hạnh nhân không. Bản đồ này phân hạng các vùng địa lý theo nhiệt độ tối thiểu, đưa ra chỉ dẫn tương đối về các loại cây có thể sống được trong từng vùng. Nếu muốn trồng cây hạnh nhân, bạn cần chọn nơi được phân hạng tối thiểu là 6 – cao hơn thì càng tốt.

    Theo hệ thống này, các vùng thích hợp ở Mỹ bao gồm phần lớn vùng trung tâm và đông California, một số vùng thuộc bang Arizona, Texas, và nội địa Florida.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 2

Mua hạt giống hoặc cây con. Bạn có hai lựa chọn để bắt đầu trồng cây hạnh nhân – dùng hạt giống (quả hạch tươi, chưa xử lý) hoặc cây con. Nếu chọn trồng bằng hạt giống, bạn có thể được trải nghiệm quá trình trồng cây ngay từ đầu nhưng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Mặt khác, trồng bằng cây con thì tiện lợi hơn nhưng có thể tốn kém hơn một chút.

    Nếu muốn thu hoạch hạnh nhân ăn được, bạn nhớ chọn hạt giống hoặc cây con của cây hạnh nhân quả ngọt. Lưu ý rằng cây hạnh nhân đắng không ăn được, và không phải tất cả các cây hạnh nhân ngọt đều cho quả. Các giống cây này chỉ thích hợp trồng lấy bóng mát và làm cảnh. Bạn hãy hỏi nhân viên ở vườn ươm nếu không biết chắc cây hạnh nhân nào cho quả.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 3

Chọn vị trí có nhiều nắng để trồng cây. Cây hạnh nhân sinh trưởng tốt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời. Trước khi bắt đầu trồng cây, bạn cần tìm một vị trí trong vườn có ánh nắng mặt trời toàn phần, trực tiếp và không bị bóng râm che phủ. Bạn sẽ trồng cây hạnh nhân trong chậu trước khi trồng xuống đất, nhưng việc chọn trước vị trí trồng vẫn quan trọng – cây hạnh nhân không thể trồng lâu trong chậu.

    Bạn cũng cần chọn khu vực có độ thoát nước tốt. Cây hạnh nhân không chống chịu tốt khi nước đọng xung quanh rễ – cây có thể bị thối rễ.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 4

Ươm hạt. Nếu định trồng cây hạnh nhân từ hạt (tức là quả hạnh nhân chỉ có vỏ bao bọc), bạn cần bắt đầu bằng cách ươm hạt trong môi trường được kiểm soát. Khi hạt bắt đầu nảy mầm, bạn có thể trồng vào chậu hoặc trồng xuống đất. Đầu tiên, bạn sẽ bỏ hạt giống vào một chiếc bát to (càng nhiều hạt càng tốt, vì sẽ có một số hạt không nảy mầm hoặc hỏng vì nấm mốc). Tiếp theo, hãy ươm hạt theo các bước dưới đây:

    Thêm nước vào bát và ngâm hạt qua đêm.

    Hôm sau, bạn hãy dùng kẹp hạt dẻ để làm nứt vỏ hạt hạnh nhân – phần vỏ vẫn còn dính vào nhau, nhưng bạn sẽ nhìn thấy được phần hạt bên trong. Vứt bỏ tất cả các hạt có dấu hiệu bị mốc.

    Đổ đất trồng cây vào vài chậu hoa nhỏ. Đảm bảo các chậu cây phải có lỗ thoát nước dưới đáy.

    Gieo hạt sâu khoảng 2,5 -5 cm dưới mặt đất, phần vỏ nứt hướng lên trên. Đặt chậu cây trong nhà, nơi có nắng mặt trời chiếu vào. Giờ thì bạn chỉ cần chờ cây con nảy mầm.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 5

Trồng cây con. Khi cây con đã mọc lên (hoặc nếu bạn mua cây con để trồng), bạn hãy chuẩn bị vị trí trồng cây đã chọn. Đắp một mô đất nhỏ cao khoảng 2,5-5 cm (và chiều rộng nhỉnh hơn chiều cao một chút) cho từng cây con. Ấn từng cây con vào giữa mô đất, sâu khoảng 2,5 cm bên dưới mặt đất. Kỹ thuật đắp mô đất có tác dụng chống nước đọng xung quanh rễ vốn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng (bao gồm tình trạng thối rễ).

    Nếu định trồng cây đã nảy mầm, bạn nên trồng vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân. Nếu muốn trồng cây từ hạt, bạn hãy gieo hạt vào cuối mùa thu để cây có cơ hội nảy mầm vào mùa xuân, tức là ngay đầu mùa sinh trưởng của cây.

    Nếu bạn trồng nhiều cây, mỗi cây phải cách nhau tối thiểu 6 mét. Như vậy rễ cây sẽ có nhiều không gian để phát triển, đồng thời việc tưới tiêu cũng dễ dàng và hiệu quả hơn.

Phần 2 của 4:

Chăm sóc cây hạnh nhân

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 6

Tưới nhiều nước. Ngay sau khi trồng, cây hạnh nhân cần được tưới đẫm ít nhất 4 lít nước để làm ẩm đất hoàn toàn. Sau lần tưới đầu tiên, bạn sẽ cần duy trì lịch tưới cây thường xuyên khi cây tiếp tục mọc lên. Cây hạnh nhân sinh trưởng tốt trong khí hậu nóng nhưng không phải là cây sa mạc, vì vậy tưới nước là điều kiện thiết yếu để cây có thể phát triển khỏe mạnh.

    Tưới từng cây hạnh nhân tối thiểu mỗi tuần một lần, trừ khi trời mưa. Những cây đã bén rễ có thể sống được với 5-7,5 cm nước khi trời không mưa, nhưng các cây đang mọc lên sẽ cần nhiều nước hơn.

    Một cách khác là sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây là lựa chọn tiện lợi nhất nếu bạn trồng nhiều cây.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 7

Bón phân vào mùa xuân. Khi bắt đầu vào mùa sinh trưởng của cây, bạn có thể sử dụng một lượng phân bón thích hợp để thúc cây phát triển (tuy rằng không bắt buộc). Với cây con, bạn cần dùng phân bón ni tơ với liều thấp cách vài tuần một lần trong suốt mùa sinh trưởng. Với cây trưởng thành, bạn sẽ cần dùng 1 kg phân u-rê hoặc 15 kg phân chuồng (trong một lần).

    Dù sử dụng loại phân bón nào, bạn cũng phải tưới nước sau khi bón phân. Phân bón có thể làm “cháy” cây nếu bạn bón phân mà không tưới nước hoặc bón quá nhiều một lúc.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 8

Thu hoạch quả vào mùa thu. Cây hạnh nhân cho quả sẽ bắt đầu ra quả nhỏ màu xanh trong suốt mùa sinh trưởng – những quả hạnh nhân cứng và chua này không phải là món ăn phổ biến ở phương Tây nhưng khá được ưa chuộng ở vủng Trung Đông. Vào mùa thu, quả hạnh nhân sẽ cứng lại, chuyển thành màu nâu và nứt ra. Khi vỏ bên ngoài đã khô và chuyển màu nâu là quả hạnh nhân đã có thể thu hoạch. Xem thêm thông tin bên dưới về công đoạn thu hoạch.

    Có hai loại cây hạnh nhân: loại cho quả “ngọt” và loại cho quả “đắng”. Cây và quả hạnh nhân đắng không an toàn để ăn. Hạnh nhân đắng có chứa axit xianhiđric vốn là chất độc. Chỉ một nắm hạt hạnh nhân đắng sống và chưa xử lý có thể gây tử vong. Tuy nhiên, hạt hạnh nhân đắng có thể được xử lý qua quá trình lọc độc tố để ăn được.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 9

Cắt tỉa cây vào đầu mùa đông. Mùa đông là thời gian thích hợp nhất để cắt tỉa cây – việc cắt tỉa sẽ dễ dàng và an toàn hơn khi cây ngủ đông. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là các cành cây bệnh hoặc chết cần được loại bỏ ngay vào bất cứ mùa nào trong năm. Để cắt tỉa cành cây, bạn có thể dùng kéo cắt cây để cắt gọn gần cuối cành cây. Dùng cưa để cắt các cành cứng hơn.

    Việc cắt tỉa sẽ giúp cây phát triển đều, khỏe mạnh và đẹp mắt. Các cách cắt tỉa có phương pháp cũng giúp cho cây khỏe hơn, cứng cáp hơn và có sức đề kháng tốt hơn với sâu bệnh.

    Khi cắt tỉa cây, bạn nên cố gắng tỉa bớt các tán lá rậm rạp và loại bỏ những chỗ hai cành cây cọ vào nhau. Bạn cũng cần cắt tỉa những cành cây mọc cao hơn hoặc xa hơn các cành cây khác để cây phát triển đều hơn .

Phần 3 của 4:

Chăm sóc cho cây ra quả

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 10

Chờ 5 năm trước khi cây ra quả. Cây hạnh nhân cần một thời gian mới bắt đầu cho quả. Thông thường, thời gian “chờ đợi” này kéo dài khoảng 5 năm. Tuy nhiên, tùy vào giống cây, có thể mất 12 năm cây mới đạt được năng suất tối đa. Hãy kiên nhẫn – một cây trưởng thành khỏe mạnh có thể cho đến 20 kg quả chỉ trong một mùa thu hoạch!

    Khi đã bắt đầu cho quả, cây hạnh nhân ra quả hàng năm trong thời gian đến 50 năm, và bạn sẽ thu hoạch được nhiều hạnh nhân trong những năm sắp tới.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 11

Đảm bảo cây được thụ phấn. Điều quan trọng bạn cần hiểu là phần lớn các cây hạnh nhân sẽ không “mặc nhiên” ra quả. Cây hạnh nhân ra quả nhờ được thụ phấn trong quá trình sinh sản hữu tính. Điều này có nghĩa là trừ khi trồng loại cây hạnh nhân tự thụ phấn, bạn sẽ phải thụ phấn chéo cho cây với một cây thuộc giống khác để cây đậu quả.

    Cách dễ nhất để thực hiện việc này là trồng nhiều giống cây khác nhau. Khi bạn trồng hai hoặc ba cây gần nhau, các loài côn trùng thụ phấn như ong mật sẽ đem phấn hoa từ cây này sang cây kia theo tập quán tự nhiên của chúng.

    Bạn cũng có thể thụ phấn thủ công cho cây bằng cách cầm cành cây có hoa của cây này cọ vào những bông hoa đầu tiên của cây kia để trộn lẫn phấn hoa. Tuy nhiên, phương pháp thụ phấn này tốn thời gian hơn nhiều và có thể không hiệu quả bằng thụ phấn tự nhiên.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 12

Ghép một giống cây khác vào cây đang trồng. Phương pháp ghép sẽ biến một cây không ra quả thành cây ra quả nếu cây đang trồng không tự sinh sản nhưng được ghép một cành thuộc giống khác. Một khi đã “sống được”, phần cành ghép sẽ có khả năng ra quả dù phần còn lại của cây thì không. Phương pháp này được áp dụng cho phần lớn một số cây trồng nhất định, chẳng hạn như cây cam.

    Có nhiều cách để ghép cành có khả năng sinh sản vào cây đang trồng. Cách đơn giản nhất thường là kỹ thuật ghép mắt chữ T, theo đó người ta sẽ rạch một đường dài và hẹp trên cây “chủ” và đặt cành ghép vào đường rãnh mới tạo thành. Sau đó, cành ghép sẽ được buộc cố định bằng dây cho đến khi cây chủ tiếp nhận cành mới.

    Lưu ý rằng người ta thường ghép cây vào mùa xuân, khi phần dưới vỏ cây ẩm và xanh.

    Nhớ rằng phương pháp ghép sẽ không thể biến một cây không ra quả thành cây ra quả nếu nguyên nhân cây không sinh sản là do trồng sai địa điểm, thiếu dinh dưỡng, v.v…

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 13

Thu hoạch quả hạnh nhân khi đã chín. Hạnh nhân thường được thu hoạch từ tháng bảy đến tháng mười (ở một số nước như À Rập Xê Út, mùa thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng năm), khi vỏ ngoài đã khô và nứt. Bạn có thể rung cây và nhặt những quả hạnh nhân rụng xuống, nhớ vứt đi những quả bị thối rữa. Quả hạnh nhân cũng có thể rụng cả khi không ai rung cây. Những quả này vẫn ăn được trừ khi bắt đầu bị thối rữa.

    Sau khi thu hoạch, bạn có thể đông lạnh quả hạnh nhân trong 1-2 tuần để diệt các loài gây hại còn sót trên vỏ.

Phần 4 của 4:

Xử lý các vấn đề thường gặp

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 14

Tránh tưới quá nhiều để ngăn ngừa thối rễ. Một vấn đề có thể ảnh hưởng đến hầu như mọi loài cây (bao gồm cây hạnh nhân) là tình trạng thối rễ. Căn bệnh tác hại này thường do nấm mọc trên rễ cây khi rễ tiếp xúc với nước trong thời gian dài. Bệnh thối rễ rất khó chữa, vì vậy biện pháp tốt nhất là phòng ngừa. Bạn đừng bao giờ tưới quá nhiều cho cây – nước đọng xung quanh gốc cây có thể gây hại nhiều hơn là lợi.

    Để ngăn ngừa úng nước, bạn có thể tăng khả năng thoát nước của đất bằng cách trộn nhiều đất mùn hoặc chất hữu cơ để tăng độ thấm hút trong đất. Lưu ý rằng đất nông, nặng và nhiều sét có độ thoát nước rất kém.

    Nếu gặp phải trường hợp thối rễ (thường có dấu hiệu gần giống như khô hạn như lá chuyển vàng, héo úa và chết), bạn hãy đào rễ cây lên và cắt bỏ những mảng nhũn và đen. Nếu tình trạng không được cải thiện, bạn phải vứt bỏ cả cây để ngăn ngừa nấm lây lan ra cả vườn.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 15

Kiểm soát tốt cỏ dại. Cỏ dại không phải là mối lo ngại lớn đối với những cây hạnh nhân già và cây đã trưởng thành, nhưng chúng có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cây con. Cỏ dại cạnh tranh gay gắt chất dinh dưỡng, nước và ánh nắng với những cây hạnh nhân con. Nếu bạn bỏ mặc cho cỏ dại mọc, chúng thậm chí có thể “bóp nghẹt” cây hạnh nhân con trước khi nó có cơ hội mọc lên.

    Biện pháp tốt nhất để đối phó với cỏ dại là nhổ cỏ dại ngay từ sớm và thực hiện thường xuyên, đặc biệt trong vài tháng đầu trồng cây. Cố gắng làm sạch cỏ dại trong vòng 1,5-1,8 m giữa các luống cây – bạn có thể làm cỏ bằng cách thủ công (dùng tay hoặc dụng cụ làm vườn) hoặc dùng thuốc diệt cỏ.

    Bạn có thể đắp lớp phủ hoặc vải che phủ đất để chống cỏ dại. Cách này thích hợp với các vườn cây ăn quả nhỏ ở nhà.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 16

Loại bỏ tất cả các quả hạnh nhân trên cây để ngăn ngừa sâu navel orangeworm. Trong mùa đông, loài côn trùng này trú ẩn trong các “xác ướp”, tên gọi của các quả hạnh nhân còn lại trên cây. Khi mùa xuân đến, chúng hoạt động trở lại và gây hại cho cây hạnh nhân. Cách tốt nhất để phòng chống loài sâu này là loại bỏ tất cả các “xác ướp”. Khi không còn chỗ ẩn náu qua mùa đông, sâu orangeworms sẽ không thể sống sót và xâm nhập vào các quả hạnh nhân khỏe mạnh trong năm đó.

    Sau khi loại bỏ các quả hạnh nhân còn sót lại, bạn hãy chạy máy cắt cỏ để nghiền nát chúng. Sâu orangeworm vẫn có thể còn sống trong các “xác ướp” còn nguyên trên mặt đất.

Tiêu đề ảnh Grow Almonds Step 17

Xịt Bacillus thuringiensis để diệt sâu đục ngọn đào. Sâu đục ngọn đào đúng như tên gọi của nó – những con côn trùng nhỏ hình dạng giống con giòi đục vào các quả hạch như đào và hạnh nhân. Loài sâu này có thể ăn quả và gây thiệt hại đáng kể cho cây trồng, vì vậy nếu trông thấy loài sâu hại này (hoặc thấy lá cây bị gặm nhấm báo hiệu sự hiện diện của chúng), bạn hãy dùng ngay thuốc trừ sâu để bảo vệ cây. Bacillus thuringiensis, một loại thuốc trừ sâu vi khuẩn, là một lựa chọn tuyệt vời để diệt các loài sâu đục ngọn. Canh thời gian xịt thuốc vào mùa sâu nở để diệt sâu trước khi chúng có cơ hội gây thiệt hại.

    Ngoài hai loài sâu hại kể trên, còn rất nhiều loài sâu hại khác có thể tấn công cây hạnh nhân – nhiều đến mức không thể liệt kê hết ở đây. Để biết thêm thông tin, bạn có thể sử dụng từ khóa tìm kiếm “sâu hại cây hạnh nhân” hoặc liên hệ với vườn ươm hoặc khoa thực vật học của trường đại học ở địa phương.

    Bạn cũng có thể tìm hiểu về biện pháp kiểm soát dịch hại tổng hợp. Đây là một phương pháp kiểm soát dịch hại kết hợp các kỹ thuật sinh học, môi trường và hóa chất. Phương pháp này hiệu quả hơn so với việc chỉ sử dụng một phương pháp.

    Bắt đầu ươm hạt vào mùa thu để cây đâm chồi vào đầu mùa xuân.

    Nếu muốn trồng cây hạnh nhân để lấy quả, bạn phải trồng hai cây khác giống nhau.

    Nếu trồng nhiều hơn một cây hạnh nhân, bạn cần trồng các cây cách nhau 6-9 mét.

    Đừng tưới quá nhiều nước. Cây hạnh nhân dễ bị thối rữa và mốc.

Bài viết gốc: https://www.wikihow.vn/Tr%E1%BB%93ng-h%E1%BA%A1nh-nh%C3%A2n